Theo đó, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. TP Hà Nội từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Tại khu vực đô thị trung tâm, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.
Về lâu dài, các bến xe này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).
Về quy hoạch các bến xe khách trung hạn, bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) được xây dựng theo dự án đầu tư được duyệt.
TP Hà Nội không bố trí các bến Xuân Phương, Kim Chung (do đã hết thời hạn thực hiện). Vị trí, quy mô các bến xe trung hạn quy hoạch sẽ tiếp tục được rà soát xem xét cụ thể trong quá trình lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan.
Ngoài ra, nội dung quy hoạch gồm 7 bến xe dài hạn; 8 bến xe tải liên tỉnh và mạng lưới gồm 7 khu trung tâm tiếp vận.
Nội dung quy hoạch cũng bao gồm mạng lưới bến xe khách, bến xe tải, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ tại các khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái.
Cụ thể, tại 5 đô thị vệ tinh quy hoạch 11 bến xe khách, tổng diện tích khoảng 423ha. Tại các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái khác bố trí các bến xe khách quy mô nhỏ từ 1 đến 5ha theo nhu cầu từng khu vực và sẽ được cụ thể hóa tại các đồ án quy hoạch đô thị được duyệt.
TP Hà Nội xác định các hạng mục ưu tiên đầu tư theo giai đoạn như sau. Giai đoạn đến năm 2025, xây dựng 4 bến xe khách gồm (bến Cổ Bi, bến Đông Anh, bến Yên Sở và bến Sơn Tây 1); 4 bến xe tải gồm (bến Yên Viên, bến Cổ Bi, bến phía Nam và bến Khuyến Lương); 3 trung tâm tiếp vận ở phía Nam, phía Đông Bắc và phía Bắc; các bãi đỗ xe với 122 vị trí, quy mô diện tích khoảng 168ha; 2 bãi đỗ xe trung chuyển park and ride tại nút giao quốc lộ 6 với Vành đai 4 và nút giao quốc lộ 32 với đường 70.
Giai đoạn 2025 đến 2030, xây dựng 4 bến xe khách (bến phía Nam, bến phía Bắc, bến phía Tây và bến xe khách Phùng); 4 bến xe tải (bến Hà Đông, bến phía Bắc, bến phía Đông Bắc và bến Phùng); 4 trung tâm tiếp vận ở phía Tây Bắc, phía Tây, phía Tây Nam và phía Đông; các bãi đỗ xe với 115 vị trí, quy mô diện tích khoảng 58ha; 3 bãi đỗ xe trung chuyển tại nút giao đường Ngọc Hồi với Vành đai 3, tại phía Nam ga Ngọc Hồi và tại khu vực ga Yên Viên; 46 bãi đỗ xe tải với tổng diện tích khoảng 182ha và 73 bãi đỗ xe buýt với tổng diện tích khoảng 97ha.
Về các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện, TP Hà Nội tăng cường công tác kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe; ưu tiên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có; có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác và vận hành các bãi đỗ xe theo quy hoạch.