Lễ hội du lịch thác Bản Giốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017 và trở thành lễ hội thường niên hằng năm của huyện Trùng Khánh. Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Thác Bản Giốc đang vào mùa đẹp nhất trong năm (Ảnh: Internet) |
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng quyết định nâng cấp Lễ hội du lịch thác Bản Giốc từ lễ hội cấp huyện trở thành lễ hội cấp tỉnh. Tiếp nối thành công của các mùa lễ hội trước, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2023 được tổ chức trong điều kiện, cơ hội mới khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai bên nước qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc của Việt Nam và Đức Thiên của Trung Quốc. Đây cũng là năm tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Lễ hội năm nay với chủ đề "Về miền non nước", vào sáng 6/10, mở màn với Lễ rước nước, cầu quốc thái dân an tại khu danh thắng Thác Bản Giốc. Hàng trăm người dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh và các đại biểu, du khách thập phương đã cùng chứng kiến nghi lễ lấy nước từ dòng sông Quây Sơn dưới chân Thác Bản Giốc.
(Ảnh: TTXVN) |
Sau đó, nước được trai tráng trong vùng cùng các tăng ni, phật tử rước về chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Lễ rước nước, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái, dân an, bản làng bình yên, phát triển là nghi lễ mở đầu đặc sắc cho Lễ hội Thác Bản Giốc năm nay.
Lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa diễn ra tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. (Ảnh: caobang.gov.vn) |
Tối 6/10, du khách trong và ngoài tỉnh Cao Bằng đã được thưởng thức chương trình khai mạc Lễ hội vô cùng mãn nhãn. Chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục văn nghệ, âm thanh, ánh sáng hoành tráng, hiện đại, đặc biệt được tổ chức dưới dòng thác lung linh sắc màu, không gian đồi núi trùng điệp đã tạo ra những khoảnh khắc khó quên trong lòng du khách. Sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại chưa bao giờ được thể hiện xuất sắc đến vậy.
Sân khấu hoành tráng bên dòng thác lung linh, huyền ảo (Ảnh: M) |
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, lễ hội thác Bản Giốc được tổ chức hằng năm nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu cảnh đẹp của thác Bản Giốc, một trong những thác nước đẹp nhất thế giới đến du khách gần xa.
Các tiết mục trình diễn đặc sắc, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống (Ảnh: M) |
(Ảnh: M) |
Sáng 7/10, trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Cao Bằng đã xác lập kỷ lục Việt Nam với màn trình diễn hát then, đàn tính do 1.000 người thực hiện ngay bên danh thắng thiên nhiên Thác Bản Giốc. 1.000 người gồm các nghệ nhân, người yêu nhạc dân tộc, học sinh, sinh viên… đủ lứa tuổi trong những bộ trang phục truyền thống Tày- Nùng đã cùng biểu diễn chương trình hát then đàn tính mang chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc then tính Cao Bằng".
Màn trình diễn hát then, đàn tính do 1.000 người thực hiện (Ảnh: M) |
Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 gồm các ca khúc: Ánh trăng Bản Giốc (sáng tác Phạm Tịnh); Đường về bản em (sáng tác Đàm Thanh); Hoa rừng quê em (sáng tác Hoa Cương).
(Ảnh: M) |
Xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội, tại khu danh thắng Thác Bản Giốc còn tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi khác như: Triển lãm tranh, ảnh non nước Cao Bằng; Trưng bày, giới thiệu các sản vật, đặc sản OCOP địa phương.
Không gian triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non nước”. (Ảnh: Báo Cao Bằng) |
Ngoài ra, du khách còn được tham gia, trải nghiệm các hoạt động khác như: trải nghiệm vườn hạt dẻ… cùng các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đua thuyền trên sông Quây Sơn.
Với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, lễ hội năm nay kỳ vọng sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, từ đó tiếp tục phát huy, khai thác thế mạnh của thác Bản Giốc trong thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương.