Hiện nay, số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần (không tiếp tục tham gia và rút ra khỏi hệ thống BHXH) có xu hướng gia tăng và vẫn đang duy trì ở tỷ lệ cao. Năm 2006, chỉ có 240.191 người hưởng BHXH một lần, chiếm 3,82% số người tham gia BHXH thì con số này vào năm 2016 là 665.306 người (chiếm 4,7%) và năm 2020 là 897.000 người (chiếm 5,57%). Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm 2020, số người hưởng BHXH 1 lần tăng nhiều hơn số người mới tham gia BHXH.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhận định, tình trạng số người hưởng BHXH 1 lần nhiều và có xu hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.
Bởi việc người lao động nhận BHXH 1 lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Đáng chú ý, việc người lao động hưởng BHXH 1 lần có thể dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài. Vì khi nhận BHXH 1 lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, mất một nguồn đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Tuy nhiên, nếu hưởng BHXH 1 lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH 1 lần cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn khá nhiều.
Ngoài ra, khi tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động còn được cấp thẻ BHYT và khi ốm đau sẽ có Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả.
Theo ông Quảng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, phải kể đến cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn; nhiều người lao động chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH; hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt và thực sự hấp dẫn; thủ tục hưởng khá dễ dàng…
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, khắc phục những tồn tại của chính sách về hưởng BHXH 1 lần và tạo tính hấp dẫn để người lao động chủ động tham gia và gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH thì thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH một cách đồng bộ, toàn diện, “trọn gói”. Bởi chế độ BHXH 1 lần có liên quan chặt chẽ đến các chính sách khác của BHXH, nhất là chế độ hưu trí.
“Vì vậy, hệ thống BHXH phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH” – ông Quảng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách.