Để có những giải pháp giúp Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thực sự hiệu quả, tạo điều kiện cho việc sắp xếp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chiều nay (19/12), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đánh giá và phân loại CBCCVC làm sao cho thực chất”.
Đánh giá “mang tính bình quân” nên khó tinh giản biên chế
PGS.TS.Ngô Thành Cang chia sẻ, có lãnh đạo đã xấu hổ khi thấy báo cáo “97,5% CBCC hoàn thành nhiệm vụ”. Trong khi các báo cáo thường chỉ nêu không đến 1% không hoàn thành nhiệm vụ thì ở nhiều diễn đàn, các số liệu không chính thức, con số này lên đến 30%.
Số liệu được ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đưa ra cho thấy, 30% CBCCVC không làm được việc, tương đương hơn 7.000 người và tiêu tốn 17.000 tỷ đồng/năm.
Vấn đề này có một phần nguyên nhân do công tác đánh giá, phân loại CBCCVC chưa thực chất, không tách bạch được người làm tốt, làm bình thường và người làm kém nghĩa là đánh giá “mang tính bình quân” như nhận xét của ông Ngô Thành Cang.
Chỉ ra thêm các nguyên nhân như do người đứng đầu chưa thực hiện hết nhiệm vụ, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung nên còn nể nang khi đánh giá; công tác tự phê bình yếu, việc theo dõi CBCCVC chưa sát sao kịp thời…, ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ CCVC (Bộ Nội vụ) nhận thấy, công tác đánh giá CBCCVC cuối năm thường “dĩ hòa vi quý”.
Đánh giá, phân loại CBCCVC góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ |
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật CBCC, Luật VC quy định nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ giải quyết cho thôi việc nghĩa là không có chuyện “đã là CBCCVC thì nghiễm nhiên không thể cho thôi việc”.
Nhưng với cách đánh giá, phân loại CBCCVC hiện nay, việc tinh giản biên chế dựa theo kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC rất khó thực hiện. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo, cả nước hiện có 2,6 triệu CCVC, theo kế hoạch là phải tinh giản 1,5%/năm.
Từ đầu năm 2015 tới nay mới giảm được 15.700 người. Nhưng trong số đó có tới 1.350 trường hợp không đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Theo lý giải của TS.Ngô Thành Cang, nhiều năm trước có nhiều vị trí việc làm cho “nợ tiêu chuẩn”, nhiều tiêu chuẩn cao, hay nhưng đa phần không đáp ứng được nên trong đội ngũ CCVC có nhiều người "không đúng tiêu chuẩn".
Chấm dứt đánh giá, phân loại kiểu “thương nhau”
Ông Trương Hải Long lưu ý, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng CBCCVC. Công tác đánh giá phân loại chỉ là một kênh để nâng cao chất lượng CBCCVC.
Tuy vậy, vẫn “cần cơ chế quản lý đội ngũ CCVC “động” với việc làm rõ vị trí việc làm để có thể thay thế người làm không hiệu quả” – TS.Ngô Thành Cang nêu ý kiến.
Song theo ông, cơ chế này cần tiến hành từng bước nghĩa là có “độ trễ” của chính sách để không có tình trạng, “con cháu ở lại, người làm tốt lại phải đi”. Cùng với đó, cần có những quy định để xóa bỏ cách đánh giá của nền công vụ “chức nghiệp” và tư tưởng “thương nhau” nên cố gắng để mọi người đều hoàn thành nhiệm vụ như hiện nay.
TS.Ngô Thành Cang phản ánh, những thành phần được o bế khi đánh giá là có nhưng không phổ biến. Do đó, cần cơ chế đánh giá minh bạch, chích sách để người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác đánh giá CBCCVC.
Nhiều chủ thể được tham gia đánh giá, trừ đánh giá về năng lực và kết quả thực thi nhiệm vụ thì ai giao nhiệm vụ mới có thể đánh giá. Có hệ thống thống nhất đánh giá và tập trung vào 1 cơ quan duy nhất đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá.
Cùng quan điểm, ông Trương Hải Long cũng khẳng định, đánh giá hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều người đứng đầu (người giao nhiệm vụ). “Nếu nể nang, né tránh trong đánh giá thì không thể hiệu quả” – Phó Vụ trưởng Vụ CBCC nhận định.
Từ đó, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, không để đánh giá “tất cả đều vui vẻ”. Việc đánh giá chủ yếu căn cứ vào kết quả thực thi nhiệm vụ của CBCC; nhất là phải theo dõi thường xuyên trước khi đánh giá.
Ngoài ra, tiêu chí đánh giá phải phù hợp với từng cơ quan, tổ chức, không thể áp dụng chung. Hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để quy định rõ việc đánh giá cũng cần được kiểm soát từ các kênh ngoài hệ thống để nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác đánh giá, phân loại CBCCVC
“Tháo khoán” đề tài, sáng kiến kinh nghiệm
Trong các tiêu chí đánh giá CCVC quy định “có đề tài, sáng kiến kinh nghiệm”. Ông Trương Hải Long giải thích, đây là những người thực thi công vụ nên cần có sáng kiến kinh nghiệm là để đổi mới quy trình nghiệm vụ, khắc phục các vấn đề qua quá trình thực thi.
Song quy định này là không khả thi vì không phải ai cũng được giao đề tài nghiên cứu hay không phải vị trí làm việc nào cũng có thể có sáng kiến kinh nghiệm.
TS.Ngô Thành Cang phản ánh, với tâm lý “trên có chính sách dưới có đối sách”, nhiều khi CCVC làm cho xong việc rồi mới được yêu cầu viết sáng kiến, đề tài để đánh giá, phân loại và xét thi đua nên quy định như vậy cũng rất hình thức.
Do vậy, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 56, trong đó tập trung sửa theo hướng quy định về đề tài, sáng kiến kinh nghiệm chỉ áp dụng cho các trường hợp “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, các mức phân loại trở xuống thì không áp dụng tiêu chí này.
Điều quan tâm là “như thế nào là sáng kiến và cấp nào công nhận”. Thực tế nhiều nơi thực hiện quy định về tiêu chí “có đề tài, sáng kiến kinh nghiệm” khi đánh giá, phân loại CBCCVC quá cẩn thẩn, đẩy lên cấp trên công nhận, chứ lãnh đạo trực tiếp không xem xét, đánh giá, công nhận đề tài, sáng kiến của CBCCVC thuộc đơn vị.
Ngược lại có nơi cẩu thả đến mức “tháo khoán” để ai cũng được đánh giá tốt. Vì thế, TS.Tất Thành Cang hy vọng sau khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 56, việc đánh giá CBCCVC sẽ thực chất hơn, không có những sáng kiến “làm cho có”.
Nghị định 56 đã thực hiện được hơn một năm và là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ; bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác.
Từ khi Nghị định 56 có hiệu lực, công tác đánh giá và phân loại CBCCVC đã có nhiều điểm mới, đã mở rộng dân chủ hơn và đánh giá sát hơn. Tuy nhiên, một số quy định về đánh giá CBCCVC chưa sát với thực tiễn: Công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có đề tài, sáng kiến được áp dụng và được cấp có thẩm quyền công nhận; đánh giá phân loại còn nể nang, né tránh… Do đó, đã dẫn đến một số khó khăn trong công tác sắp xếp, khen thưởng, kỷ luật, tinh giản biên chế, thậm chí tinh giản biên chế sai đối tượng…