Tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/3/2021, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) 393 bản án hành chính, theo dõi 176 vụ việc, tăng 74 việc (72,5%) so với cùng kỳ 2020, đã ra 163 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 15 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án là 16 vụ việc; có văn bản kiến nghị chỉ đạo, đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 07 vụ việc do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Qua theo dõi, trong 6 tháng, cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành xong 31 vụ việc (trong đó có 01 bản án có Quyết định buộc thi hành án hành chính; 30 bản án không có quyết định buộc thi hành án hành chính), tăng 18 việc (138,5%) so với cùng kỳ năm trước…
Với việc vận dụng những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách linh hoạt, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được một lượng lớn công ty, doanh nghiệp đến đầu tư vào các dự án, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo các vấn đề phát sinh khác trong đời sống xã hội như vấn đề giải phóng mặt bằng dẫn đến các khiếu kiện hành chính về đất đai ngày càng gia tăng. Trong đó các vụ việc tồn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực pháp luật về đất đai. Đây là lĩnh vực phức tạp, có yếu tố lịch sử, khó đạt sự đồng thuận với người thi hành án. Cùng với đó, một số cơ quan hành chính nhà nước không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính hoặc không đồng tình với phán quyết của Toà án, do vậy việc thi hành án trở nên khó khăn, người dân bức xúc tiếp tục khiếu kiện kéo dài.
Về phía người dân, chưa nắm được quy định về quyền gửi đơn đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc người phải thi hành án thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án theo quy định tại Điều 312 Luật tố tụng hành chính. Mặt khác, pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính tuy đã được quy định cụ thể hơn trong Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, nhưng nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp vời quy định của pháp luật.
Nhận thức rõ những hạn chế và nguyên nhân của công tác theo dõi thi hành án hành chính, Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác thi hành án hành chính trong thời gian tới cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi hành án hành chính; quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố trong công tác tiếp nhận bản án, quyết định hành chính kịp thời, đảm bảo đưa ra theo dõi 100% bản án, quyết định hành chính có nội dung theo dõi thi hành án hành chính theo đúng quy định; Chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp thực hiện tốt của quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, đảm bảo việc theo dõi đầy đủ, chính xác các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các Chấp hành viên trong quá trình thực hiện việc theo dõi thi hành án hành chính; Tiếp tục thực hiện Quy trình theo dõi thi hành án hành chính áp dụng trong hệ thống thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 1130/QĐ-CTHADS ngay 16/10/2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự…
Với những giải pháp cụ thể và sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành, tin rằng thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thi hành án hành chính trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, xã hội./.