Hiện nay, Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, thành phố, các Ban Chỉ đạo THADS quận, huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, TAND tối cao và VKSND tối cao quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS. Căn cứ Quy chế hoạt động, các thành viên Ban Chỉ đạo THADS địa phương đã chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng và kết quả tổ chức THADS.
Là địa bàn có nhiều vụ việc giá trị lớn, phức tạp, thành phố Hà Nội luôn chú trọng phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo THADS các cấp. Toàn thành phố hiện có 30 Ban Chỉ đạo THADS ở cấp quận, huyện, thị xã và 1 Ban Chỉ đạo THADS cấp thành phố. Ban Chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn và kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với các vụ án lớn, khó khăn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác THADS tại địa phương.
Còn tại Lào Cai, hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS các cấp luôn được chú trọng đổi mới. Năm vừa qua, Ban Chỉ đạo THADS các cấp đã chỉ đạo tổ chức thành công 51/53 việc cưỡng chế THADS, trong đó có 17 việc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành. Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với các cơ quan THADS giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, đặc biệt đã giải quyết được 5/7 vụ việc tồn đọng. Nhờ đó góp phần nâng cao kết quả THADS năm 2019 khi vượt 18,87% so với chỉ tiêu được giao về việc; về tiền vượt 38,32%. Trong bối cảnh số thụ lý mới ngày càng tăng cả về việc và tiền, kết quả thi hành về tiền Quí I/2020 còn thấp khi đạt 4,87%, Ban Chỉ đạo THADS trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cũng là địa phương vượt chỉ tiêu được giao năm vừa qua, trong năm 2020, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức phối hợp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh; chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp. Phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ THADS xong trên 80% về việc và trên 38% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật việc theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi.
Tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Hải Dương, Tây Ninh… Ban Chỉ đạo THADS các cấp đã thường xuyên, kịp thời tổ chức họp Ban Chỉ đạo để đưa ra biện pháp giải quyết, xử lý cụ thể các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn, nhất là trong công tác cưỡng chế. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, Cục THADS các tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản, vật chứng do Tòa án tuyên hủy, tịch thu sung công quỹ Nhà nước; trong việc cung cấp thông tin về nơi chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án là phạm nhân và đặc biệt là phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn Ban Chỉ đạo THADS một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, chưa thường xuyên. Trước những khó khăn, thách thức, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính, Ban Chỉ đạo THADS các cấp tăng cường, chú trọng hơn nữa hoạt động nâng cao vai trò, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, những vụ việc lớn, phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ làm việc, thông tin, báo cáo của Ban Chỉ đạo THADS theo đúng quy định; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS các cấp. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các bên đương sự liên quan chấp hành tốt các quyết định, bản án của cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ, tốt hơn nữa trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân liên quan đến các tranh chấp dân sự; đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện công tác cưỡng chế.