Chưa quy định rõ việc tự nguyện giao con
Theo pháp luật THADS hiện hành thì thi hành bản án, quyết định về giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là loại việc thi hành án liên quan đến việc thực hiện một công việc nhất định. Theo đó, người phải thi hành án có thời gian là 10 ngày, kể từ ngày họ nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình. Hết thời hạn này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thực hiện sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Theo quy định tại Điều 120 Luật THADS, trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế….
Từ các quy định trên cho thấy cơ chế để đảm bảo việc thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao con cho người có quyền nuôi con đã được pháp luật THADS quy định khá rõ. Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao con nhưng người có quyền nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận thì lại chưa được quy định rõ ràng. Nếu tình huống này xảy ra, chỉ có hướng giải quyết duy nhất là hoãn việc thi hành án.
Từ đó phát sinh các vấn đề như: người có quyền trực tiếp nuôi con chưa hoặc không tiếp nhận việc nuôi con mà không có lý do chính đáng thì có bị xử lý không? Người có nghĩa vụ phải chuyển giao con kiên quyết thực hiện việc chuyển giao thì cơ quan THADS xử lý thế nào?
Ngoài ra, cơ quan THADS cũng gặp không ít khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành án. Theo quy định tại Điều 39 Luật THADS, khi chấp hành viên thực hiện cưỡng chế thi hành án thì phải thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án cho các đương sự. Do đó, xảy ra tình trạng tại nhiều địa phương đó là khi cơ quan thi hành án huy động lực lượng cưỡng chế đến địa điểm cưỡng chế thì không thực hiện được việc cưỡng chế do người chưa thành niên đã bị đưa đi nơi khác, gây tốn kém thời gian, chi phí, công phức của nhiều cơ quan.
Vận động, thuyết phục là chính
Có thể thấy, việc thi hành án giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng là một loại việc thi hành án rất khó khăn, phức tạp trong thực tiễn, tính chất khá nhạy cảm do có khả năng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người chưa thành niên, người đang nuôi dưỡng người thành niên... Do đó, để giải quyết loại việc này Chấp hành viên luôn đặt giải pháp vận động người phải thi hành án tự nguyện giao người chưa thành niên lên hàng đầu.
Theo đó, Chấp hành viên cần tìm hiểu rõ nhân thân, quan hệ, đặc điểm về gia đình và hoàn cảnh của các bên, từ đó có kế hoạch vận động, đôn đốc, phân tích, thuyết phục, tác động tâm lý đến họ. Đồng thời cần tìm hiểu về điều kiện kinh tế và khả năng thực hiện nghĩa vụ của đương sự, tìm hiểu, xem xét và cân nhắc đến khả năng đương sự có thể thực hiện được hay không để sớm có kế hoạch xử lý hoặc đưa ra phương án cho đương sự làm sao thuận lợi nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ.
Cùng với đó, cơ quan thi hành án cần tích hợp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để nâng cao hiệu quả công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án theo hướng đặt lợi ích của người chưa thành niên lên trên hết.
Đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên, để tránh tình trạng người phải thi hành án đưa người chưa thành niên đi khỏi địa bàn, trốn tránh thi hành án thì cần nghiên cứu xem xét việc bổ sung quy định riêng đối với biện pháp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Theo đó, nên cân nhắc theo hướng khi áp dụng biện pháp cưỡng chế với loại việc này, chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.