Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên là 35,06%, bình quân thu nhập ước đạt 20,41 triệu/người/năm (đứng thứ 63/64 tỉnh, thành trong cả nước). Đại đa số người dân là người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mặt khác do địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế (từ trung tâm tỉnh đến huyện Mường Nhé là 210km, đến huyện Nậm Pồ là 160km, đến huyện Tủa Chùa 150km, đến thị xã Mường Lay là 103 km, đến huyện Tuần Giáo là 80km…) đã tạo những khó khăn trong phát huy vai trò của hoạt động tư pháp.
Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, phát huy vai trò nòng cốt của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh, Phòng Tư pháp huyện, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Điện Biên đã tổ chức 84 đợt TGPL lưu động tại 119 lượt xã, thu hút 24.003 người tham gia; đồng thời thực hiện TGPL cho 3.679 vụ việc, 3.700 người.
Riêng năm 2015, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Điện Biên đã thực hiện TGPL được 1.284 vụ việc cho 1.300 người yêu cầu TGPL. Trong đó, tư vấn pháp luật là 1.186 vụ việc (bao gồm cả tư vấn pháp luật trong hoạt động TGPL lưu động), tham gia tố tụng 114 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 05 vụ việc. Đối tượng thụ hưởng hiệu quả hoạt động TGPL chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với 1.158 người, người nghèo 116 người, người có công, người già, trẻ em, người tàn tật…
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được chú trọng tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm chuyển tải các quy định pháp luật tới đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn như tuyên truyền thông qua hình thức làm bảng thông tin về TGPL đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn; tại Nhà văn hoá các thôn, bản… và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh; in ấn và cấp phát các loại tờ gấp, tờ rơi pháp luật về hoạt động TGPL cho nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về pháp luật...
Từ năm 2014 đến nay, cùng với các lực lượng nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngành Tư pháp Điện Biên đã phối hợp tổ chức hơn 9.000 buổi tuyên truyền cho 638.537 lượt công dân tại cơ sở; lồng ghép tổ chức hội nghị tập huấn cho hàng chục nghìn lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; biên soạn 118.866 tờ gấp phục vụ công tác tuyên truyền; 18.500 bộ tài liệu sách báo có nội dung phổ biến giáo dục pháp luật các loại; xây dựng, in sao cấp phát 1.053 bộ đề cương giới thiệu pháp luật cho cơ sở.
Hoạt động của Câu lạc bộ Pháp luật, Câu lạc bộ TGPL, Tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên cũng được duy trì thường xuyên có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào yên tâm sản xuất, phát triển đời sống.
Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 1.690 tổ hòa giải cơ sở với hơn 8.000 hòa giải viên. Tính riêng năm 2015, lực lượng này đã tham gia đã tiến hành 759 vụ việc (trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 75%), kịp thời góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân.
Mô hình Câu lạc bộ Pháp luật được thành lập rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 300 câu lạc bộ, tổ chức hàng ngàn buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật thu hút trên 50.000 lượt hội viên tham gia. Công tác TGPL ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội. Hiện nay, Trung tâm TGPL đã tổ chức duy trì 91 câu lạc bộ TGPL; hỗ trợ sinh hoạt cho 131 lượt câu lạc bộ TGPL và mở 12 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho trên 600 người tham gia.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của địa phương, hiện nay hoạt động tư pháp của tỉnh Điện Biên đã và đang gặp những khó khăn nhất định hạn chế hiệu quả công tác tư pháp, nhất là những khó khăn về cơ sở vật chất, biên chế và chất lượng viên chức. Cơ cấu, biên chế của các chi nhánh trợ giúp pháp lý chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý.
Bình quân toàn tỉnh hiện chỉ có từ 01 đến 2 người/chi nhánh, chưa bố trí được trợ giúp viên pháp lý tại chi nhánh. Chưa kể, việc đào tạo để tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý còn chậm, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và nhu cầu của người dân. Việc bảo đảm kinh phí hoạt động TGPL nhìn chung còn nhiều hạn chế, hoạt động của lực lượng hòa giải viên ở cơ sở cơ bản dựa trên tinh thần tự nguyện…
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống mảnh đất Điện Biên anh hùng, trên cơ sở những những kết quả đã đạt được, từng bước tháo gỡ những khó khăn là điều kiện để hoạt động tư pháp tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững ở tỉnh miền núi Điện Biên.