Cho con đi học trong… thấp thỏm
Từ 17/2, nhiều trường sẽ cho học sinh đi học trở lại. Quyết định này đã gây ra không ít tranh cãi, nhất là đối với các phụ huynh. Một số phụ huynh cho rằng, việc đi học lại là cần thiết, vì nghỉ học nhiều sẽ gây gián đoạn việc học cho các em, cũng như gây nhiều xáo trộn trong công việc của cha mẹ.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh nói rằng, họ thà cho con cái nghỉ học, thậm chí trễ học một học kì, một năm học còn hơn để cho con có nguy cơ lây lan bệnh dịch. Các phụ huynh lo lắng con mình còn nhỏ, chưa có ý thức phòng chống dịch, ham chơi hoặc quên các nguyên tắc vệ sinh cá nhân đã được hướng dẫn, cộng với không gian lớp học, trường lớp đông đúc bạn bè khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Chị Đỗ Thị H., ngụ khu dân cư Him Lam, phụ huynh có con đi học tại Trường Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức (TP HCM) chia sẻ: “Thật sự đến thời điểm này, dù nhà trường đã có thông báo cho học sinh đi học lại tôi vẫn rất lo lắng, không biết quyết định thế nào. Một số bạn bè cũng là phụ huynh đã quyết định làm đơn xin phép cho con nghỉ, số còn lại cũng băn khoăn, lo lắng giống tôi. Dù việc con nghỉ học có gây xáo trộn sinh hoạt gia đình, nhưng tôi nghĩ để an tâm hơn thì nên cho các cháu nghỉ cho đến khi công bố qua đỉnh dịch cũng được”.
Thực chất, chuyện có nên cho học sinh đi học trong thời điểm dịch bệnh hay không cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua và vẫn chưa ngã ngũ. Thậm chí, tranh luận không chỉ diễn ra trong phụ huynh mà cả những người trong ngành Giáo dục lẫn y tế.
Một số ý kiến đề xuất rằng nên kéo dài kỳ nghỉ để tránh dịch, sau đó cho học sinh học liên tục suốt mùa hè để bù lại, có nghĩa là “nghỉ hè sớm” ngay sau dịp nghỉ Tết. Ý kiến này cũng được nhiều phụ huynh đưa ra mổ xẻ như một trong những phương án để giảm thiểu nguy cơ dịch của học sinh, sinh viên.
Lợi ích của dạy và học trực tuyến
Sự thiếu đồng bộ của ngành Giáo dục trong công tác hướng dẫn đối phó là điều dễ nhận thấy trong thời gian qua. Từ chuyện các trường “tự túc” cho học sinh học và nghỉ học, dẫn đến có trường nghỉ dài hạn, có trường nghỉ ngắn ngày, có trường lại đi học bình thường, có trường… không dám quyết định để học sinh và phụ huynh “dài cổ” chờ vì không biết phải xử lý ra sao.
Tương tự, ở bậc đại học, một số trường hiện nay đã cho học sinh đến trường, một số trường khác vẫn cho nghỉ, có trường nghỉ hẳn đến đầu tháng 3 với kế hoạch giảng dạy trực tuyến. Rõ ràng, kế hoạch học tập của học sinh và sinh viên không hề đồng bộ, không được hướng dẫn cụ thể, gây ra lọng cọng, thiếu nhất quán, mạnh ban giám hiệu trường nào trường ấy làm, không căn cứ vào diễn biến dịch của từng địa phương.
Vào thời điểm này, dư luận lại càng hướng đến vấn đề giáo dục thông minh, giáo dục 4.0. Rõ ràng, nếu thời gian qua ngành Giáo dục làm tốt, làm sớm việc phát triển giáo dục thông minh thì thời điểm dịch bệnh hoành hành, chuyện học sinh có nên đến lớp để học hay không, nghỉ nhiều hay nghỉ ít, cập nhật kiến thức thế nào khi nghỉ dài ngày… không phải là mối lo lớn. Việc triển khai học từ xa, học trực tuyến có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề nêu trên.
Một đơn cử, trong đợt nghỉ này, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã thực hiện bài giảng trực tuyến về hệ thống điều khiển động cơ đốt trong, các khái niệm cơ bản về điện - điện tử ôtô.
Trước đó, trên Facebook cá nhân của thầy Dũng có đăng: “Ngày mai 10/2, sinh viên ngành ôtô của các trường đại học trong cả nước có thể theo dõi bài giảng của thầy phát trên UTE-TV và UTEX. Thầy sẽ ôn lại khái niệm cơ bản để các em có thể đọc tài liệu về hệ thống điều khiển trên ôtô”.
Bài giảng được quay tại trường với cách giảng sinh động, có hình ảnh, được phát trên nhiều kênh Facebook và Youtube đã nhận 42 ngàn lượt xem, vài trăm lượt chia sẻ của sinh viên trường lẫn sinh viên trường khác.
Các sinh viên theo dõi bài giảng tỏ ý hứng thú và cho biết bài giảng tạo tác dụng không khác gì giảng dạy tại chỗ, đồng thời các em còn có thể xem đi xem lại để hiểu bài hơn. PGS Dũng cho biết, việc giảng dạy trực tuyến như trên là hướng đi hợp lý mà trường sẽ tiếp tục triển khai và các giảng viên sẽ dùng kênh Facebook riêng của mình để kết nối sinh viên, giảng dạy từ xa.
Điều khiến nhiều người lo lắng, sau khi dịch đi qua, chắc chắn giữa các miền, các địa phương sẽ có nhiều chênh lệch về thời điểm học. Nhiều trường, do chủ động và biết ứng dụng giáo dục 4.0, học trò và cô giáo sẽ “nhẹ thở”, còn những trường cho nghỉ “xả phanh” sẽ vắt chân lên cổ để theo kịp chương trình, kéo theo đó là sự vất vả của cả thầy, trò và phụ huynh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thanh Đề cho biết đã có 16 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2, sau thời gian cho nghỉ học vì lo ngại dịch bệnh do Covid-19. Các tỉnh, thành này bao gồm Cà Mau, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đồng Nai.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giúp nhà trường có thời gian chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông nghỉ học đến ngày 16/2. Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đã chủ động điều chỉnh lịch học của sinh viên sau Tết Nguyên đán.
H.Minh