Từ câu chuyện thủ khoa vẫn trượt nguyện vọng 1
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm nay áp dụng việc tính điểm ưu tiên mới nên hạn chế được điểm kịch trần. Cùng với phần mềm tự chọn tổ hợp tối ưu cho thí sinh. Đơn cử, một ngành của một trường tuyển 2 khối thi, mỗi khối 50 chỉ tiêu. Nếu thí sinh tự chọn tổ hợp, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng các em đăng ký ở mỗi tổ hợp. Nhưng nếu để phần mềm tự chọn sẽ tối ưu hóa tương tự như mỗi em đều chọn cả 2 tổ hợp. Trượt tổ hợp này sẽ sang tổ hợp khác. Vì thế, điểm chuẩn sẽ công bằng hơn, khả năng trúng tuyển của thí sinh đó sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ khó có tổ hợp nào điểm quá cao.
Tuy nhiên, có một thực tế khi “thủ khoa toàn quốc vẫn trượt nguyện vọng 1” như trường hợp của 2 thí sính là thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã khiến nhiều người hoang mang. Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh (Đại học Bách khoa Hà Nội), năm nay số thí sinh trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính của trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT gần 10 thí sinh. Do chỉ tiêu ít, trong khi tỷ lệ đăng ký cao nên sức cạnh tranh cũng cao. Năm 2022, ngành này không tuyển thí sinh theo phương thức thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển theo phương thức đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong đề án tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội dành 85 - 90% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi, còn lại là xét tuyển sớm (10 - 15%). Xét tuyển bằng điểm thi bao gồm hai phương thức: Thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trong đó, với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy, trường áp dụng chế độ điểm thưởng dành cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS hoặc VSTEP (kỳ thi năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn hóa của Việt Nam). Như vậy, ngay trong nhóm dự tuyển bằng thi đánh giá tư duy, ưu thế thuộc về thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn - Cần có văn hóa chất lượng trong GD Đại học. (Ảnh: Bộ GD&ĐT) |
Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2023 - 2024 là xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học. Lấy chất lượng làm nền tảng, yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường bảo đảm và kiểm định chất lượng theo chương trình 78 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Ngoài Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 75% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, chỉ 25% cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh nào thường đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ quốc tế trước khi tốt nghiệp THPT? Đó là thí sinh ở các đô thị lớn, thí sinh trường chuyên, hệ chuyên. Để đỗ được vào ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất trường Kinh tế Quốc dân, thí sinh phải đạt tối thiểu 26,1 điểm, tức gần 9 điểm/môn.
Rất nhiều ngành khoa học xã hội lấy điểm chuẩn 28, 29. Những ngành khoa học tự nhiên trong tốp trên thì điểm chuẩn cũng phải 27, 28 và đỉnh điểm là thủ khoa vẫn trượt. Bởi như lãnh đạo Đại học Bách khoa, không đạt 30 điểm 3 môn Toán, Lý, Hóa thì không nên nộp hồ sơ vào ngành Khoa học máy tính của trường.
Theo các chuyên gia giáo dục, khi các trường không ưu tiên tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nghĩa là họ không hoàn toàn đặt niềm tin vào chất lượng của kỳ thi. Nhưng kỳ thi lại là con đường duy nhất của đa số học sinh THPT trên toàn quốc thực hiện ước mơ vào đời của mình. Đã đến lúc ngành Giáo dục cần thay đổi cách thức thi cử để bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi thí sinh ở mọi phương thức xét tuyển. Theo đó, cần cải cách cách ra đề để bảo đảm tính phân loại. Cải thiện công tác tổ chức để phòng ngừa gian lận thi cử. Cải thiện cách đánh giá học sinh bậc THPT để bảo đảm tính trung thực của học bạ. Khi chất lượng khảo thí tăng - đủ để các trường đại học tin tưởng, khi đó học sinh khắp các tỉnh, thành mới không bỏ lỡ đi cơ hội vào được những ngành học mà thí sinh đã nỗ lực rất nhiều để có được những điểm số cực giỏi, mà vẫn trượt.
Đồng thời, thay vì hạn chế các trường tuyển sinh bằng IELTS, ngành Giáo dục hãy truyền thông cho chứng chỉ VSTEP - chứng chỉ do chính Bộ GD&ĐT cấp với chi phí để học, thi rẻ hơn nhiều so với chứng chỉ “ngoại”. Để học sinh được tiếp cận giáo dục chi phí thấp.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Hiện một số trường cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT không phù hợp với những ngành mà việc tuyển chọn có tính cạnh tranh cao. Do đó, cần cân nhắc đến việc tổ chức kỳ thi riêng có trở thành rào cản với các thí sinh. Nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.
Các phương thức xét tuyển chưa bảo đảm sự công bằng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm tiếp theo tự chủ đại học được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.
Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.002.100; số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non bằng 65,90% số thí sinh dự thi, với số nguyện vọng đăng ký là gần 3,4 triệu. Mặc dù số thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm song số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tăng 4,56% so với 2022. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 cũng tăng 7,9% so với 2022.
Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cũng đề cập những khó khăn, hạn chế. Theo đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác. Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, điểm yếu lớn nhất của kỳ thi tuyển sinh 2023 là giữa các phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm sự công bằng nhất định. Nhiều thí sinh được xét tuyển trúng tuyển sớm có lẽ dễ dãi hơn so với các thí sinh được trúng tuyển theo kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Sơn yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có việc đánh giá phân tích tương quan giữa đầu vào và kết quả quá trình học tập, từ đó hoàn thiện phương thức tuyển sinh cho năm học mới. Đồng thời từng bước chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Do đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục đại học năm học 2023 - 2024. Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng. Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.
Thứ hai, xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học. Triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu. Tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học. Lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Đề cập tới 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tích cực triển khai, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhắc tới việc nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản quy chế nội bộ. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (nội bộ và từ cơ quan quản lý nhà nước).
Bên cạnh đó, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024 (khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu), chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường hợp tác trên một nền tảng chung.
Tập trung, xây dựng và hoàn thiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu như khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật công nghệ, sức khoẻ nông - lâm - ngư nghiệp, văn hoá nghệ thuật… Trong đó, cần đề xuất các cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ người học.