Tăng học phí là tất yếu
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 có những điều chỉnh, bổ sung được đánh giá là khá hiện đại, tháo gỡ các nút thắt đối với giáo dục Việt Nam.
Theo bà Thủy, Luật khẳng định quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm giải trình của các trường. “Các cơ sở được tự chủ chuyên môn, tài chính, tài sản, tổ chức nhân sự nhưng vẫn phải đáp ứng được quy định của pháp luật”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nhằm gỡ nút thắt trong tự chủ đại học, Luật cũng đã trao quyền hạn, trách nhiệm rất lớn cho Hội đồng trường. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bên liên quan để kiện toàn cơ chế chính sách của Hội đồng trường.
Học phí là vấn đề thu hút sự quan tâm tại tọa đàm. Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đối với GDĐH, tài chính là vấn đề rất quan trọng, trong đó có học phí.
Theo ông Sơn, Luật đã khẳng định rõ đối với các trường tự chủ thì việc quyết định học phí là quyền của các trường. Song, Trường ĐH Bách Khoa thấy rằng việc cân nhắc học phí là yếu tố quan trọng để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận ĐH của người học.
Thực tế, Trường ĐH Bách Khoa và một số trường đã thực hiện thí điểm tự chủ từ vài năm nay nên cơ bản chính sách học phí của trường đã ổn định. “Khi Nhà nước không cấp kinh phí thường xuyên thì học phí sẽ phải bù đắp cho việc này và việc tăng học phí là điều tất yếu”, ông cho hay. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, việc nâng học phí phải có lộ trình và phải phù hợp với khả năng chi trả của người học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân – cũng cho biết, Trường Đại học Kinh tế quốc dân là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ cho nên việc học phí bù đắp chi phí thường xuyên cũng như các chi phí khác là vấn đề tất yếu.
Đến nay nhà trường thực hiện đúng tinh thần Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ. Mức học phí của trường công khai minh bạch, được công bố cho toàn khóa. Trong năm học 2019-2020, mức học phí cho các chương trình đào tạo chính quy của trường từ 15 đến 18,5 triệu, với mức tăng được nhà trường cam kết không quá 10%. Thông thường, trong bối cảnh hiện nay, trường tăng khoảng 5%/năm.
“Do vậy, các sinh viên khi vào trường đã biết rõ mình sẽ phải đóng học phí bao nhiêu cho suốt quá trình đào tạo, tránh để xảy ra bất ngờ hoặc không chuẩn bị trước với sinh viên”, ông Chương khẳng định.
Dù vậy nhưng ông Chương cũng nhấn mạnh, nếu chỉ trông chờ vào học phí, chúng ta sẽ không có những đột phá, khó tạo được những trường đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, về lâu dài cần có những giải pháp căn bản đối với giáo dục đại học, đặc biệt là vấn đề tài chính.
Ông Chương cũng cho rằng, phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, làm rõ bản chất của tiền học phí có phải nguồn ngân sách hay không, quản lý ra sao.
“Thế nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính? Tự chủ chúng ta hiểu rõ, nhưng tự chịu trách nhiệm thì như thế nào chúng ta lại chưa có quy định chặt chẽ để nhà trường tự chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch, thuận lợi. Đó là những cái chúng ta cần hoàn thiện”, ông Chương góp ý.
Mở thêm những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu
Việc thực hiện Luật GDĐH sửa đổi cũng dẫn đến những ý kiến lo lắng rằng các trường ĐH công lập khi thực hiện thực hiện tự chủ tài chính bị giảm phần cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, khiến áp lực tài chính với các trường tăng, từ đó dẫn đến tình trạng một số trường ĐH công lập vượt thu hoặc thu sai quy định hoặc lạm thu các khoản ngoài quy định.
Về lo ngại này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, việc xác định mức thu học phí của các trường phải tuân thủ các định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Bà Thủy khẳng định, các cơ sở giáo dục dù tự chủ đến mức độ nào, được xác định mức thu học phí ở mức nào đều phải dựa vào định mức kỹ thuật đó.
Ngoài ra, các trường cũng phải thực hiện các chế độ về quản lý tài chính, kế toán kiểm toán, công khai minh bạch thông tin theo luật định. Đó là cơ sở để xã hội có thể giám sát.
“Tất cả các trường đều muốn đảm bảo uy tín của mình trước xã hội, trước người học, thu hút các em sinh viên và đồng thời cũng cân đối giữa các nguồn đầu tư cho phát triển nên chúng ta có thể tin tưởng rằng cơ chế kiểm soát sẽ đến từ nhiều phía”, bà nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, GDĐH là để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước. Do đó, GDĐH cũng phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, việc các trường ĐH mở ra những ngành nghề đào tạo mới cũng là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của thị trường.
“Các cơ sở giáo dục ĐH tập trung mở ra những ngành mới không gắn với nhu cầu của thị trường mới là vấn đề. Việc này không đáp ứng được các quy định pháp lý về việc mở ngành. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ ngay lập tức phản ứng, có câu trả lời với các quyết định đó của nhà trường, trước mắt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, đặt ra sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề đó có phù hợp hay không”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, các trường nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn sẽ có những lúc phải trả giá, đồng thời tin tưởng rằng tình trạng có trường đại học ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm dần sẽ giảm đi và bị triệt tiêu.
“Sự phản ứng của thị trường rất nhanh nhạy, cơ chế thị trường dần sẽ rõ nét hơn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam và sẽ giúp chúng ta thanh lọc được những cơ sở đào tạo thiếu chất lượng hoặc đào tạo những ngành nghề không phù hợp”, bà nói.