Bề dày từ truyền thống
Cùng với các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ như hát trống quân, hát chầu văn, hát xẩm, ca trù..., nghệ thuật chèo đã có một thời phát triển mạnh mẽ tại nhiều làng quê Nam Định. Nơi đây cũng là một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo.
Theo các nghệ nhân cao tuổi, vùng đất Nam Định xưa thuộc chiếng chèo Nam (trong đó bao gồm cả các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, và Thái Bình hiện nay) nổi tiếng khắp cả nước bên cạnh 3 chiếng chèo khác là chèo Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), chèo Đông (gồm Hưng Yên, Hải Dương) và chèo Đoài (gồm Hà Đông, Sơn Tây).
Tiếng chèo len lỏi đến từng nhà, từng phường cùng nhiều làng chèo với các nghệ nhân tiền bối nổi tiếng, chỉ cần nhắc tên thôi là ai cũng trầm trồ xuýt xoa. Huyện Ý Yên ngày ấy được đánh giá là "thủ phủ" của đất chèo Nam Định với các làng chèo Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường, An Lại Hạ... cùng hàng chục đội chèo và hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng.
Một giá hầu đồng được tái hiện trên sân khấu của nhà hát chèo Nam Định. |
Nhiều gia đình có truyền thống hát chèo truyền qua 3-4 đời con cháu, tiêu biểu như gia đình cụ Dương Văn Hàm với 3 đời tham gia diễn chèo và 12 con cháu hoạt động sân khấu chèo, trong đó có 6 người là diễn viên, nhạc công ở các đoàn chèo chuyên nghiệp.
Ngoài ra còn có chèo làng Đặng (ở huyện Mỹ Lộc), được Nguyễn Bính nhắc đến trong bài thơ "Mưa Xuân" nổi tiếng; làng chèo Hào Kiệt (huyện Vụ Bản); huyện Nam Trực ngoài phường chèo Điền Xá, Nam Mỹ, thì còn có các phường chèo gốc gắn kết với phường múa rối nước như ở làng Rạch (xã Hồng Quang), làng Nhất (xã Nam Giang); huyện Hải Hậu thì có làng chèo Phú Văn Nam (xã Hải Châu) đã tồn tại cách đây hàng trăm năm…
Mốc son chói lọi
Đến sau này, đoàn chèo Nam Định là nơi tiếp nối truyền thống của những chiếu chèo sân đình, gánh hát chèo, phường chèo ở các làng quê xưa. Hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, bằng tâm huyết, lòng đam mê và trách nhiệm gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống của hơn 300 lượt nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công qua nhiều thế hệ, Nhà hát Chèo Nam Định đã khẳng định được vị trí của mình trong ngành Chèo cả nước, xứng đáng với quê hương được mệnh danh là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo.
Tiền thân là đội văn công nhân dân tỉnh Nam Định, buổi đầu thành lập, lực lượng diễn viên của Đoàn Chèo chủ yếu là những anh chị em được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ cơ sở. Cái thuở “vạn sự khởi đầu nan”, mỗi chuyến đi biểu diễn, phương tiện vận chuyển của đoàn là quang gánh, thuyền bè, xe bò, xe kéo tay, còn ánh sáng là những bó đuốc tẩm dầu hoặc đèn măng-xông, đèn bão. Vượt lên biết bao khó khăn, thiếu thốn, đoàn đã tập luyện, dàn dựng được nhiều chương trình biểu diễn với nội dung phong phú, hấp dẫn như: “Chị Thắm, anh Hồng”, “Bên đường dốc”, “Đường cày”, “Tấm ảnh bên đầm sen”.
Chỉ sau hơn 2 năm thành lập, Đoàn Chèo Nam Định – một đoàn nghệ thuật còn quá non trẻ đã ghi dấu ấn đầu tiên tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc mùa xuân năm 1962 với vở chèo “Đôi ngọc lưu ly” được tặng Huy chương Bạc. Thành công này đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho đoàn tiếp tục dàn dựng nhiều tiết mục tầm cỡ như: “Chị Tâm bến Cốc”, “Cô Son”, “Trần Quốc Toản ra quân”. Đặc biệt, vở “Chị Tâm bến Cốc” đã vinh dự được phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và các diễn viên được chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ tại Đại hội, tối 21/5/1963.
Trải qua nhiều lần hợp nhất với Đoàn chèo Hà Nam và Đoàn chèo Ninh Bình, thành Đoàn chèo Hà Nam Ninh, năm 1997, đơn vị trở lại là Đoàn Chèo Nam Định với khó khăn chồng chất. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhìn lại những cống hiến trong suốt những năm dài, qua đạn bom, bão lửa, anh chị em diễn viên, nhạc công của đoàn lại động viên nhau, nỗ lực vượt qua thử thách, tiếp tục khẳng định “thương hiệu” chèo Nam Định bằng những vở diễn chất lượng.
Vở “Trần Anh Tông” của tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Trịnh Quang Khanh tham gia Hội diễn SKCN toàn quốc năm 2000 là một trong hai vở được tặng Huy chương Vàng; các nghệ sĩ Bích Thục, Đăng Khoa đạt Huy chương Vàng, Diệu Hằng, Quốc Hùng, Ngọc Hùng đạt Huy chương Bạc. Năm 2001, vở “Trần Anh Tông” vinh dự được chọn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tại Thủ đô Hà Nội. Vở “Thần đồng đất Việt” tham dự Hội diễn SKCN toàn quốc năm 2005 được đánh giá cao về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật; các nghệ sĩ Diệu Hằng, Thanh Vân đạt Huy chương Vàng, Thanh Nga, Đăng Khoa, Duy Thông đạt Huy chương Bạc.
Ghi nhận sự đổi mới và phát triển của đoàn, năm 2006, UBND tỉnh quyết định nâng cấp Đoàn Chèo Nam Định thành Nhà hát Chèo Nam Định. Đây là niềm tự hào, là động lực lớn lao để các diễn viên, nhạc công tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật chèo, góp thêm vào bề dày truyền thống của đoàn với nhiều thành tích mới.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định tới giao lưu, biểu diễn chèo với học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. |
Rạng danh “chiếu chèo Nam”
Với hình thức “Chiếu chèo Nam”, Nhà hát đã làm cầu nối đưa công chúng đến với nghệ thuật ước lệ tinh tế của chèo qua hình vóc chiếu chèo xưa, tạo nên hiệu quả đặc biệt đối với diễn xuất của nghệ sĩ và sự thưởng thức của người xem. Trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện nay, Nhà hát Chèo Nam Định đã năng động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Diệu Hằng - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định cho biết: Khi tham dự các kỳ hội diễn, hội thi, liên hoan sân khấu chèo khu vực, toàn quốc, Đoàn Chèo Nam Định đều giành thành tích cao, được đồng nghiệp và khán giả yêu mến. Hiệu quả trong công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng diễn viên kế cận của Đoàn Chèo tỉnh được các nhà quản lý, giới chuyên môn và các đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao qua các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chuyên nghiệp những năm gần đây.
Bên cạnh hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả, Nhà hát luôn quan tâm tới việc nghiên cứu thể nghiệm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương. Đồng thời, liên tục tìm tòi cái mới để kịp thời thích ứng với sự phát triển của thời đại, đưa tiếng chèo đến đa dạng hơn những sự kiện và gần hơn với khán giả.
Một hoạt động nữa phải kể đến là Nhà hát cũng thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường học tổ chức các buổi trao đổi về nghệ thuật chèo cổ, biểu diễn các vở và trích đoạn nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu biết thêm và có ý thức gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Để xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Nam Định, là người bạn đáng trọng, đáng yêu của nghệ sĩ trong cả nước, là một thương hiệu nghệ thuật, Nhà hát chèo Nam Định đang tiếp tục vượt qua những khó khăn, tìm hướng đi mới, nhằm góp phần đưa nghệ thuật chèo tồn tại, phát triển trong cuộc sống hiện đại hôm nay và lấy lại phần nào vị thế vốn có trong lòng khán giả.