Nhiều cột mốc đáng nhớ trong chặng đường 72 năm
Thưa Quyền Tổng cục trưởng, ông có thể giúp bạn đọc hiểu rõ thêm vì sao ngày 19/7 được lấy là Ngày truyền thống THADS?
- Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với việc xóa bỏ bộ máy nhà nước của chế độ cũ, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là bắt tay vào xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân để kháng chiến, kiến quốc.
Hệ thống các cơ quan tư pháp là một bộ phận cấu thành quan trọng của bộ máy nhà nước, là công cụ đắc lực bảo vệ chế độ mới đã nhanh chóng được thiết lập. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Tư pháp, đánh dấu sự ra đời của ngành Tư pháp nước ta.
Và ngày 19/7 của 72 năm về trước, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Ghi nhận sự kiện lịch sử này và để đánh dấu sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với sự trưởng thành, lớn mạnh cùng những đóng góp quan trọng của Hệ thống THADS đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg, chính thức lấy ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống THADS”.
72 năm đã trôi qua, theo Quyền Tổng cục trưởng, đâu là những cột mốc đáng nhớ của Hệ thống THADS?
- 72 năm THADS luôn gắn liền với các nhiệm vụ cách mạng và quá trình xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước qua các thời kỳ, giai đoạn và không tách rời lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, ngành Tòa án với những điểm mốc quan trọng:
Giai đoạn từ tháng 8/1945 đến năm 1950: công tác THADS do Ban Tư pháp xã và Thừa phát lại thực hiện; năm 1950, việc THADS được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.
Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980: Tại các TAND địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự; năm 1974, TANDTC đã ban hành Quyết định thành lập Phòng Chỉ đạo THA
Giai đoạn từ năm 1980 đến nay: Luật Tổ chức TAND năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp “quản lý các TAND địa phương về mặt tổ chức”, trong đó có công tác THADS, đồng thời bảo đảm “phối hợp chặt chẽ với Chánh án TANDTC trong việc thực hiện nhiệm vụ này”.
Từ năm 1986, đất nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), bản Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đã khẩn trương thể chế hóa đường lối của Đảng thông qua việc khẳng định yêu cầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992 lần đầu tiên đã xác định “quản lý công tác THA” là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, ngày 6/10/1992 đã thông qua Nghị quyết về việc bàn giao công tác THADS từ TAND sang các cơ quan của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh THADS năm 1993.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày 2/6/1993 về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác THADS. Liên ngành Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 26/5/1993 hướng dẫn việc bàn giao công tác THADS. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng đã đánh dấu sự phát triển trong cải cách về công tác THADS từ đó đến nay.
Sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp của Hệ thống THADS
Xin Quyền Tổng cục trưởng chia sẻ thêm về sự trưởng thành của Hệ thống THADS trong thời gian qua?
- Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, Hệ thống THADS đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với một diện mạo mới, được tổ chức tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp ở Trung ương, 63 Cục THADS được tổ chức ở cấp tỉnh và 710 Chi cục THADS được tổ chức ở cấp huyện và gần một vạn cán bộ, công chức, viên chức THADS, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp.
Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan THA như hiện nay. Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của TAND và UBND địa phương trong công tác THA”.
Có thể khẳng định, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc xây dựng mô hình cơ quan THADS theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, trực thuộc Chính phủ là phù hợp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Và đâu là những đóng góp nổi bật của Hệ thống THADS?
- Đóng góp quan trọng nhất của Hệ thống THADS là bảo đảm thi hành nghiêm minh bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật như Điều 106 Hiến pháp năm 2013 khẳng định. Điều này được thể hiện cụ thể qua kết quả THADS các năm, nhất là từ khi có Luật THADS năm 2008 đến nay. Kết quả THA xong về việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước và ngày càng thực chất, bền vững.
Với những thành tựu đạt được, Hệ thống THADS đã và đang trực tiếp bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác THADS thời gian qua.
Đề cao giải pháp khắc phục vướng mắc trong THADS
Thưa Quyền Tổng cục trưởng, công tác THADS hiện nay có khó khăn, hạn chế gì không?
- Tự hào với những kết quả đạt được, nhưng chúng ta cũng phải nhận thức rõ những hạn chế, bất cập còn gặp phải trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đối với công tác THADS của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, các mặt công tác trong 09 tháng đầu năm 2018 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như, mặc dù tỷ lệ thi hành xong về việc tăng 1,01%, nhưng tỷ lệ thi hành xong về tiền giảm 6,98% so với cùng kỳ 2017. Số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau giảm 1,64% về tiền nhưng lại tăng 0,87% về việc so với cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu đề ra là giảm 3%...
Vậy theo Quyền Tổng cục trưởng, đâu là những giải pháp cần đề ra để khắc phục?
- Trong thời gian tới, Hệ thống THADS tập trung vào một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính (THAHC).
Thứ hai, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành các văn bản pháp luật về THADS, THAHC, trong đó tổng kết và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành quy định pháp luật; nghiên cứu, trình ban hành Đề án giải quyết việc THADS không có điều kiện thi hành đã tồn đọng trong nhiều năm.
Thứ ba, tập trung cao độ vào việc chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tổ chức THA bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao: Chú trọng thu hồi tiền, tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch việc thực hiện các quy định về xác minh điều kiện THA, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA; Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đồng thời hạn chế phát sinh những vụ việc mới.
Tiếp tục phát triển “Đường dây nóng” và các kênh đối thoại, tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời nguyện vọng, vướng mắc của người dân trong quá trình THA
Thứ tư, chú trọng công tác bố trí, sử dụng, đánh giá cán bộ đảm bảo đúng quy trình, quy định; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, xây dựng đội ngũ công chức THADS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực công tác; thực hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, chuẩn mực đạo đức công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành và với cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Thông tư liên tịch, Quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội…, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác phối hợp THADS, THAHC ở cấp Trung ương và cấp địa phương.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, Tổng cục, Cục THADS theo phương châm “hướng về cơ sở”; đẩy mạnh cải cách hành chính trong THADS, THAHC, ứng dụng công nghệ thông tin.
Xin cảm ơn Quyền Tổng cục trưởng!