[Truyện ngắn] Người đàn bà bỏ chồng

0:00 / 0:00
0:00
“Hôm ấy chị đã ngồi lặng rất lâu. Có cái gì đó đã đổ vỡ trong lòng chị. Không phải vì vài vệt son trên áo. Không phải vì mùi nước hoa nồng nàn đến gây mũi. Không phải vì những bóng hồng quanh quất trong cuộc nhậu của anh. Mà bởi chị thấy anh dần trở nên xa lạ”…

Mười lăm năm nay, chị bị mang tiếng là người đàn bà bỏ chồng. Chị bỏ chồng ở cái thời mà phụ nữ còn chưa có nhiều tiếng nói cho riêng mình, mà bỏ chồng còn là chuyện “sét đánh ngang tai”.

Hồi đó, cha mẹ chồng van nài, còn cha mẹ chị thì tuyên bố từ mặt chị. Ai cũng nói, chồng chị có tội tình gì đâu mà phải bỏ. Ừ, thì nó có chút rượu, nhưng đàn ông, có ai mà không ít nhiều uống rượu. “Bố mày vẫn uống rượu, vẫn cùng tao nuôi chúng mày khôn lớn thành người đó thôi! Miễn nó không gái gú, không bỏ bê vợ con, vẫn đem tiền cho mày về nuôi con là tốt lắm rồi. Mày còn đòi cái gì nữa? Mày không nhìn con Hiên bạn mày, chồng vừa rượu, vừa cờ bạc, đánh vợ như ngoé mà nó vẫn đẻ sồn sồn hai năm một. Hay con Thu chị họ mày, chồng vừa gái, vừa không làm ra tiền mà nó còn vì con không nỡ bỏ kia kìa”.

Lúc ấy, chị chỉ lẳng lặng nghe mẹ nói, không dám cãi lời nào. Bởi chị biết, có nói gì đi nữa cũng làm sao thay đổi được suy nghĩ của mẹ chị. Chị làm sao giải thích được, giữa chị và mẹ không chỉ khác nhau một thế hệ. Chị khác mẹ, khác Hiên, khác chị Thu, vì quan niệm của chị về hạnh phúc nó khác. Từ nhỏ, mọi người đã hay cười chị, sinh ra trong nhà nông, lao động chân tay mà mê học. Cả nhà bắt chị bỏ học, vì sợ chị học nhiều sẽ khó lấy chồng, chị vẫn cương quyết học cho hết cấp 3. Ở cái phố huyện này, thời ấy, con gái mà học hết cấp 3 là học cao lắm rồi. Chị không đi theo con đường của mẹ mong muốn, trở về cày cuốc trên cánh đồng của cha mẹ mà trở thành một thợ may nơi phố huyện, một thợ may mê đọc sách. Chị đọc ngấu nghiến tất cả những quyển sách có thể mượn, mua được bằng đồng lương ít ỏi. Thế giới của chị không giống những người bạn đồng thế hệ, nó mở ra mênh mông bởi những trang sách. Những cuộc phiêu lưu đầy mạnh mẽ, những cô gái chống lại số phận, tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Trong trái tim chị luôn có những Jane Eyro, có Scallet của Cuốn theo chiều gió, có Francesca của Những cây cầu ở quận Madison... Hình mẫu lý tưởng trong lòng chị là người phụ nữ tuy vẻ ngoài yếu đuối nhưng có tâm hồn mạnh mẽ, can trường, biết làm chủ số phận và đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân.

Nên chị chọn yêu và lấy anh, người thầy giáo không đẹp trai nhưng hiền hậu, tháo vát, biết làm thơ. Thuở lấy nhau, căn nhà tuy nhỏ, nhưng chị tin chắc rồi đây nó sẽ ăm ắp tiếng cười trẻ thơ. Họ sẽ có một cuộc sống trong mơ ngọt ngào, bởi họ có trái tim đồng điệu, cùng trân trọng hạnh phúc.

Nhưng rồi anh nghỉ nghề giáo, theo bạn bè mở cửa hàng kinh doanh. Chị không thích công việc mới của chồng cho lắm, bởi với chị, hạnh phúc giản dị lắm, chỉ cần đủ ăn, đủ sống, dư chút tích luỹ. Thời gian dành cho nhau nhiều để vun đắp hạnh phúc mới là tốt nhất. Nhưng đó là chí hướng của chồng, chị vẫn tôn trọng, ủng hộ anh. Anh bảo chị, chỉ cần một người đi làm, nên chị đừng may đồ nữa cho cực nhọc, lấy sức mà chăm con cái, kinh tế anh lo hết. Chị miễn cưỡng nhưng cũng đồng ý với anh.

Anh bắt đầu biết nhậu. Ban đầu là những cuộc nhậu xã giao thưa thớt. Rồi mật độ nhậu dày lên. Chị khuyên anh nhiều, anh chỉ cười: “Việc làm ăn là phải vậy. Em cố gắng hy sinh một thời gian, bao giờ công việc vào guồng anh sẽ không phải đi tiếp khách kiểu này nữa. Chỉ tổ mệt người chứ có được gì đâu”.

Ấy vậy mà, cái “bao giờ” ấy dường như không bao giờ tới. Càng bước vào guồng, anh càng phải dấn thân vào những cuộc nhậu triền miên. Trước kia, bữa cơm gia đình chưa bao giờ vắng thành viên nào trong nhà, nay thì chỉ có chị và con, không có bóng dáng của anh nữa. Hằng đêm, chị vẫn theo thói quen, phần cơm cho anh kèm một ly bột sắn dây pha giải rượu. Chờ đến mòn mỏi, ngủ gục trên bàn, nửa đêm anh về say nôn ọe khắp nhà. Chị lẳng lặng đi dọn, rồi vắt khăn ấm lau cho anh. Sáng ra, anh hứa lần sau cố gắng nhậu ít hơn, về sớm hơn, nhưng lời hứa ấy chưa bao giờ thực hiện được.

Anh ngày càng phát triển kinh doanh, đời sống ngày càng đầy đủ. Nhà to hơn, xe đẹp hơn, địa vị của gia đình được nâng cao. Người thân, bạn bè nhìn vào chị mà ngưỡng mộ. Nhưng chị thì có cảm giác mình ngày càng xa rời mơ ước hạnh phúc giản dị ban đầu.

Cho đến một ngày, anh say về, chị thay áo cho anh, thấy toàn những vết son trên vai áo, ngực áo. Mùi nước hoa phụ nữ nồng nàn. Chị lặng người, tim đau nhói. Sáng ra, chị hỏi anh, anh xuề xòa: “Mấy con bé ở nhà hàng thôi em ạ. Em cũng tập quen với những chuyện này đi, là một phần của công việc. Tiếp khách sang nhiều khi phải có các em tiếp viên khách mới vui, anh cũng là bất đắc dĩ thôi”.

Hôm ấy chị đã ngồi lặng rất lâu. Có cái gì đó đã đổ vỡ trong lòng chị. Không phải vì vài vệt son trên áo. Không phải vì mùi nước hoa nồng nàn đến gây mũi. Không phải vì những bóng hồng quanh quất trong cuộc nhậu của anh. Mà bởi chị thấy anh dần trở nên xa lạ. Người chồng thuở thanh xuân, người chồng cùng chị đi qua những năm tháng khó khăn, cùng đắp xây hạnh phúc, giờ đây dường như đã “đi vắng” trong cuộc đời mẹ con chị. Đã lâu lắm rồi anh chưa đưa con đi chơi. Cũng nhiều năm rồi, anh chưa hề có mặt trong một buổi họp phụ huynh nào của con. Một tháng anh ăn cơm cùng mẹ con được vài ba bận. Và những cuộc nói chuyện gia đình nhạt phèo bởi trong đầu anh chỉ quanh quẩn chuyện làm ăn.

Điều khiến chị đi đến quyết định cuối cùng là cái tát của anh dành cho chị. Chiều hôm ấy, con sốt rất cao, chị hoảng loạn. Chị gọi anh liên tục, anh liên tục tắt máy. Chị bắt xe tự đưa con vào viện. Sau khi khám, chích thuốc, con hạ sốt và ngủ êm. Mãi sáng hôm sau anh mới đọc được tin nhắn và vào viện. Thấy con khoẻ, anh trách chị chưa chi đã rối lên, suýt nữa ảnh hưởng đến hợp đồng quan trọng của anh. Chị giận dữ đáp trả và một cái tát giáng thẳng vào mặt chị, kèm theo câu chỉ trích “đồ đàn bà không biết điều”.

Thế là chị quyết định ra đi. Ban đầu anh tưởng chị giận nên làm cho bõ, gia đình hai bên cũng tưởng thế. Nhưng chị kiên quyết, dù anh không đồng ý, chị vẫn nộp đơn ra toà. Nhiều lần hoà giải không thành, họ ly hôn. Nhà chị giận chị, anh trách chị. Ai cũng cho chị là hẹp hòi, cái tôi lớn quá. Chồng đi làm ăn vất vả không thương còn trách móc. Chồng tát có một cái mà đã giận dỗi ly hôn. Chỉ có con gái ôm mẹ thỏ thẻ: “Mẹ đừng buồn, từ nay hai mẹ con mình sống vui vẻ bên nhau”.

Chị bước qua những lời cản ngăn, đàm tiếu. Bước ra khỏi cuộc hôn nhân 10 năm, không giữ nhiều cho mình, chỉ nhận đủ một phần nhỏ để nuôi con. Chị quay lại nghề cũ, mở một tiệm may nho nhỏ. Đời sống không giàu có, sung túc như trước, nhưng nhẹ nhàng lắm. Trước kia nhiều người ác miệng bảo chị có nhân tình nên đòi ly hôn anh. Nay mãi mà không thấy chị có ai, họ lại quay sang chế giễu chị nhà cao cửa rộng không ở, bắt con phải xa cha, để người đàn bà khác ôm con vào hưởng tài sản nhà mình.

Anh đã tái giá, với một người phụ nữ có con riêng. Có lần, anh còn chở vợ mới đến tiệm may của chị may đồ, bảo có kiểu nào sang nhất, đẹp nhất thì may cho vợ anh, tốn bao nhiêu cũng được. Chị chỉ lặng lẽ coi họ là khách hàng, lòng gợn lên chút chua xót rồi thôi. Chị không hối tiếc thứ hạnh phúc mong manh mà mình đã tự buông xuống, trước khi nó kịp đổ vỡ.

Và khi chị nghe nhiều người kể lại rằng hai người ấy không hạnh phúc, chị cũng chẳng thấy hả hê. Họ kể, giờ anh bê tha lắm, nhậu nhẹt đến mụ người, về nhà là chửi bới, đập phá đồ đạc, thậm chí nhiều lần còn đánh vợ, đánh cả con riêng của vợ. Mà vợ mới anh cũng không vừa. Có lần chị đánh lại anh, có lần báo công an đến bắt chồng. Chuyện ẩu đả giữa họ xảy ra như cơm bữa. Công việc làm ăn của anh cũng ngày một sa sút. Giờ đây, nhiều người quay ngược lại, bảo chị thế mà khôn, nhanh chân nhảy khỏi tổ chim sắp vỡ. Chị vẫn chẳng thanh minh gì.

10 năm, rồi 15 năm, chị một mình nuôi nấng con nên người. Con gái đã tốt nghiệp đại học ngành thiết kế và được nhận vào một công ty thời trang có tiếng với mức lương cao. Chị vẫn may đồ cho khách quen, nhưng giờ đây đời sống hai mẹ con thong thả, dễ chịu lắm. Cùng nhau đi ăn, đi du lịch, tận hưởng cuộc sống. Người ta bảo chả ai sướng như mẹ con chị. Bỏ chồng vậy mà lại hay.

Nhưng một ngày, chị lại làm một việc “động trời”. Chị với con gái đón anh về nhà. Nhiều năm nay, anh đã phá sản, bị vợ bỏ, nghiện rượu, sống lay lắt ở một thành phố khác. Giờ đây anh đổ bệnh. Gan anh đã không còn chịu đựng được sau bằng ấy năm làm bạn với lưu linh. Anh bỏ rượu, nhưng đã muộn rồi, bác sĩ nói anh chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Chị và con đón anh về. Anh ở trong một căn phòng nhỏ nhìn ra mảnh vườn treo đầy hoa lan xinh đẹp. Ngày ngày, anh có thể làm những công việc nhẹ như tưới cây, quét tước sân nhà. Anh như thấy lại một cuộc sống trong mơ mà anh đã từ bỏ, vào hơn 15 năm trước: Một ngôi nhà nhỏ xinh đẹp nhiều hoa, một người vợ hiền hậu, dịu dàng, con gái ngoan ngoãn. Không cần giàu có, chỉ cần bằng ấy mà thôi. Tuy trễ muộn rồi, nhưng cuối đời anh cũng coi như còn chút hơi ấm.

Người ta bảo chị dở người, chạy đi còn không hết, đang yên lành rước của nợ về làm gì? Người đàn bà bỏ chồng ấy vẫn không buồn giải thích. Trước đến nay, chị vẫn luôn là người làm chủ số phận của chính mình. Bỏ chồng, vì một gia đình hạnh phúc đã tan nát bởi lưu linh, chị biết mình không tài nào giữ lại được nữa. Đón anh về, bởi đó là cha của con chị, là người chị từng yêu thương và lấy làm chồng thuở thanh xuân. Chị rời đi lúc giàu sang, nhưng không phụ lúc anh cơ hàn, đau khổ. Chị chỉ làm những điều mà trái tim ấm áp mách bảo mình.

Truyện ngắn của Ngọc Mai

Đọc thêm

Nhiều giá trị văn hóa Huế được bảo tồn, nâng tầm

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm khảo sát, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các NQ, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại địa bàn tỉnh.

Đức Phúc, Min, Trọng Tấn sẽ khuấy động quảng trường biển Sầm Sơn tại khai mạc Lễ hội du lịch biển cuối tuần này

Các nghệ sỹ tham gia đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024.
(PLVN) -  Tối 27/4, đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024 sẽ diễn ra tại sân khấu Quảng trường biển TP Sầm Sơn. Đêm nghệ thuật quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Đức Phúc, Trọng Tấn, Min, Dương Hoàng Yến, nhóm OPlus… cùng màn trình diễn pháo hoa đặc sắc mở đầu cho mùa du lịch hè đầy sôi động.

'Túi khôn' cho những hành trình du lịch cực chất, cực chill

'Túi khôn' cho những hành trình du lịch cực chất, cực chill
(PLVN) - Trong thời đại 4.0, những chuyến đi của người trẻ không chỉ dừng ở điểm bắt đầu và điểm đến, đó còn là cuộc hành trình của những cuộc vui cùng công nghệ. Tháng 4, tháng khởi đầu thời gian sôi động nhất trong năm bằng những kỳ nghỉ lễ, còn ngần ngại gì để bạn trẻ bỏ qua ứng dụng khám phá du lịch cực chất, cực chill MobiFone Smart Travel.

Những điều kỳ diệu trong 1 ngày ở Thái Nguyên

Những điều kỳ diệu trong 1 ngày ở Thái Nguyên
Trong 2 ngày 24, 25/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Đoàn Famtrip gồm các thành viên đại diện cho hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch 3 miền Bắc - Trung - Nam, các cơ quan thông tấn báo chí... với mục đích phát triển du lịch địa phương.  Chuyến Famtrip đã khiến các thành viên trong đoàn được trải qua những cung bậc cảm xúc kỳ diệu.

Nữ HLV gặt hái nhiều thành công nhờ tình yêu cầu mây mãnh liệt

HLV Trần Thị Thu Hoài là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023
(PLVN) - Huấn luyện viên Bộ môn Cầu mây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội Trần Thị Thu Hoài đạt Huy chương Vàng Vô địch thế giới năm 2013, 2016, 2022 cùng nhiều Huy chương tại các giải ASIAD, Vô địch châu Á… Gần đây nhất, Thu Hoài được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023.

'Con đường văn sĩ'- sự khao khát cống hiến của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

“Con đường văn sĩ”- sự khao khát cống hiến của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (ảnh Bảo Châu)
(PLVN) - Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khao khát cống hiến, Nguyễn Huy Tưởng chọn nhật kí là nơi vừa giãi bày vừa luyện viết. Những trang nhật kí được viết trong suốt những năm 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám1945 là những trang tư liệu chân thực về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở Thuế quan trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội và nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng.

Linh thiêng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn.
(PLVN) - Hôm nay, 24/4 (nhằm ngày 16/3 Âm lịch), tại Nghĩa Tự An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ truyền thống bao đời nay của các tộc họ trên đảo Lý Sơn, nhằm kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai.

'Đại tiệc' âm nhạc xuyên suốt dịp lễ 30/4-1/5 tại Đà Lạt

Cuộc thi nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 hứa hẹn sôi động, hấp dẫn.
(PLVN) - Ngoài 2 chương trình lễ hội âm nhạc chính diễn ra từ 27 đến 30/4, tại các khu du lịch, phòng trà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có các chương trình ca hát để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay.