[links()]Cơ quan giám sát ở đâu khi hàng loạt vi phạm diễn ra với quy mô ngày càng lớn, càng phức tạp, từ những CTCK nhỏ (Đại Nam), đến CTCK cỡ trung (SME) và CTCK tốp đầu (SBS).
Thời điểm mà nhà đầu tư nào cũng biết về margin thì không thể nói cơ quan chức năng không hay biết. |
Có thể thấy, các giao dịch bị khởi tố hình sự có bản chất tương đối giống nhau: Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của NĐT và đối tác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiện cáo "ồn ào" hiện nay xuất phát từ một nghiệp vụ mà trước đây, khi đăng ký tài khoản tại 1 cty chứng khoán, nhà đầu tư quan tâm đầu tiên tới “ưu đãi” mà mình có cơ hội được hưởng này. Đó là hoạt động cho vay tiền đầu tư chứng khoán – thường được gọi là margin – bắt đầu được rộ lên từ cuối năm 2009 đầu năm 2010.
Về cơ bản, đây là nghiệp vụ chưa được pháp luật cho phép. Nhưng đối với nhà đầu tư, đó là quyền lợi nhà đầu tư muốn hưởng, và đó là ưu thế để các công ty chứng khoán cạnh tranh nhau. Vì thế, công ty nào “đúng luật”, tức không có margin, thì nhà đầu tư không ngại ngần chuyển sang mở tài khoản tại công ty chứng khoán khác.
Thế là, để giữ khách, cũng nhìn thấy “cơ hội làm ăn”, các công ty chứng khoán đều ít nhiều cung cấp dịch vụ margin, và được hạch toán vào sổ sách dưới tên “doanh thu khác”. Không khó nhận biết, nhất là đối với các nhà quản lý chuyên ngành, bởi “doanh thu khác” này chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng doanh thu của công ty chứng khoán. Cty chứng khoán Hà Thành HSC có gần 50% là “doanh thu khác”, Chứng khoán Sài gòn SSI có hơn 30% là “doanh thu khác”.
Nhưng, công ty chứng khoán lấy tiền đâu để làm dịch vụ margin, khi tại thời điểm thị trường nóng năm 2010 quy mô giao dịch hàng ngàn tỉ đồng/phiên, và tỷ lệ margin lên tới 80%. Một trong những cách nhanh và thông dụng nhất các công ty chứng khoán dùng áp dụng là dùng tài khoản hay pháp nhân bên ngoài để lách luật.
Vụ kiện tại cty chứng khoán doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng từ một trong những hoạt động đó. Dù giờ đây vụ việc đang được điều tra, nhưng những chuyên gia thạo thị trường đều ngạc nhiên khi bị hại là cty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) giải trình rằng bị lừa chuyển hơn 100 tỷ đồng cho SME thông qua 2 hợp đồng với 2 trung gian: 1 cá nhân là Hoàng Ngọc Anh (về sau biết là “ảo”) và một Cty là CTCP Tư vấn Anh (thành viên của SME).
Một chuyên gia nhận định, đơn vị kinh doanh tài chính lớn như PVI không khó để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo của SME, phải chăng biết SME vay tiền làm margin, chính PVI cũng muốn được “chia sẻ”: không phải kinh doanh vất vả mà vẫn có thể nhận được phần chênh lệch với lãi suất cao?.
Thời điểm mà nhà đầu tư nào cũng biết về margin thì không thể nói cơ quan chức năng không hay biết. Thời điểm đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều lời cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng của margin, và vì cơ quan chức năng không ra tay mạnh mẽ, nên đến khi hoạt động margin được công nhận năm 2011, thì hầu hết các công ty chứng khoán đã ngập sau trong hoạt động này.
Như thế để thấy, cơ quan giám sát mới chỉ đóng vai trò mờ nhạt trên thị trường chứng khoán. Bởi, những vi phạm mà cơ quan giám sát biết nhưng không kịp thời ngăn chặn hoặc phản ứng yếu ớt khiến cho vi phạm ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, dẫn đến hậu quả không dễ dàng giải quyết. Hơn nữa, từ thực tiễn thụ động đó, cơ quan chức năng cũng ban hành những văn bản mang tính chất giải quyết tình thế hơn là dẫn dắt và đề phòng những vi phạm phát sinh trên thị trường.
Mà thị trường chứng khoán Việt Nam, dù nhỏ, cũng đủ độ phức tạp như bất kỳ thị trường chứng khoán nào khác. Khi chiếc áo không đủ vừa thì chiếc áo đó không đảm bảo tác dụng, và khi cơ quan nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình, thị trường chứng khoán còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó lường khác.
Bách Linh