Trung Quốc không cho biết chi tiết cuộc tập trận diễn ra ở khu vực nào ở biển Đông, mà chỉ thông báo chung chung rằng, đây là cuộc diễn tập thường lệ.
Theo Reuters, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội của Trung Quốc những ngày gần đây cho thấy chiến hạm hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Đông.
Trung Quốc thường thông báo về những cuộc tập trận ở biển Đông nhằm cố gắng chứng tỏ với thế giới sự minh bạch trong việc triển khai quân đội ở khu vực. Bắc Kinh thường công bố sau khi đã bắt đầu tiến hành và che giấu chi tiết cuộc tập trận, đặc biệt là nơi diễn ra, không để cho bất kỳ nước nào có cơ hội chỉ trích họ, Reuters đưa tin.
Trung Quốc nuôi tham vọng độc chiếm biển Đông và đang căng thẳng với Mỹ về vùng biển chiến lược này. Washington liên tục chỉ trích việc Bắc Kinh ồ ạt bồi lấp, xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.
Mỹ đã phản ứng bằng cách điều tàu chiến, máy bay ném bom tuần tra sát các đảo nhân tạo để thực thi tự do hàng hải. Tháng trước, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 của Mỹ bay sát một số đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông.
Sự kiện gần nhất của Washington khiến Bắc Kinh tức tối là việc ký kết hiệp định bổ sung, tăng cường hợp tác quân sự với Singapore, trong đó có việc điều máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon đến đảo quốc này. Singapore cũng là nơi đồn trú luân phiên của các tàu tác chiến cận bờ của Mỹ.
Tàu Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: People'sDaily |
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe ngày 12/12 có đoạn viết: “Chúng tôi ủng hộ đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, cũng như hoạt động thương mại trên biển không bị cản trở”.
Về tầm quan trọng sống còn của các tuyến đường biển ở biển Đông đối với an ninh năng lượng và thương mại khu vực, hai thủ tướng bên cạnh việc lưu ý những diễn biến ở biển Đông còn kêu gọi tất cả các bên tránh hành động đơn phương có thể gây căng thẳng trong khu vực.
Hai thủ tướng cũng cho rằng, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và việc sớm kết thúc các cuộc thương lượng để thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ góp phần cho hòa bình và ổn định khu vực.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ quyết định sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chặt chẽ, thường xuyên về các vấn đề liên quan an toàn hàng hải, an ninh của các tuyến đường biển.