Do sự nỗ lực của các bên, chính phủ Vương quốc Ả rập Saudi chấp nhận cho tàu Ngân Hà cập cảng Amman và đồng ý cử tổ công tác cùng Trung Quốc kiểm tra con tàu; Mỹ cử chuyên gia đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho phía Ả rập Saudi. Ngày 25/8, sau 22 ngày vật vã trên vùng biển quốc tế, tàu Ngân Hà được cập cảng Amman để đợi kiểm tra.
Vụ kiểm tra gay cấn, đầy sóng gió
Ngày 26/8, các nhân viên kiểm tra của 3 nước Trung Quốc, Ả rập Saudi và Mỹ lần lượt tới căn cứ hải quân ở bên cạnh cảng Amman tiến hành hội đàm lần đầu dưới sự chủ trì của tướng Abbdulla, Tư lệnh căn cứ, Tổ trưởng kiểm tra của phía Ả rập Saudi bàn về biện pháp, cách thức kiểm tra.
Sau 9 giờ đàm phán, cuối cùng đạt được thỏa thuận: kiểm tra vận đơn của con tàu, tìm ra những hàng hóa chở cho Iran, tiến hành kiểm tra ngoại quan, tiến hành mở niêm kiểm tra những container khả nghi; sau khi kết thúc kiểm tra, 3 bên sẽ ký tên vào báo cáo kiểm tra để công bố trước thế giới.
Một container bị mở tung kiểm tra |
8h sáng ngày 28, đại biểu 3 bên cùng tới cầu cảng. 10h, khi mà dưới ánh nắng gay gắt, nhiệt độ lên tới 45 độ, cuộc kiểm tra mới bắt đầu. Các nhân viên Mỹ lần đầu tiên được kiểm tra (thực ra là khám xét) một con tàu Trung Quốc, có người mặc quần áo rằn ri kiểu ngụy trang sa mạc, có người đeo mặt nạ phòng độc, tay mang đủ thứ thiết bị, đồng hồ đo, tựa hồ ngay tức khắc sẽ chứng minh được thông tin tình báo của họ là chính xác.
Chiếc container hàng hóa theo vận đơn ghi chở cho Iran được mở niêm chì, trước mặt mọi người là cả đống thùng sơn màu đen. Các nhân viên Mỹ mừng rỡ, nhưng sau khi khui ra thì thấy đó đều là thuốc nhuộm các màu. Tiếp đó, 23 container hàng hóa chuyển cho Iran đều được mở, bên trong đều là những thứ phía Trung Quốc đã thông báo cho Mỹ như đồ dùng văn phòng, ngũ kim, linh kiện cơ giới, nhưng không có hai loại hóa chất mà Mỹ cần tìm.
Kết quả kiểm tra rõ ràng không giống như phía Mỹ mong đợi. Trước thực tế rành rành, chuyên gia Mỹ không biết làm thế nào. Để chứng minh tin tình báo của mình chính xác, họ đưa ra yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm tra, mở tiếp 6 container hàng vận chuyển cho Iran được bốc lên từ cảng Hongkong.
Vị cố vấn kỹ thuật cho tổ Ả rập Saudi bất chấp thân phận của mình, đích thân nhảy vào mở niêm chì, lục lọi tìm kiếm, kết quả vẫn không thấy gì. Phía Mỹ yêu cầu mở tiếp 19 container hàng không phải chở cho Iran, kết quả vẫn như thế. Sau đó, phía Mỹ nếu thấy có loại hàng nào là chất lỏng đóng thùng đều nhất quyết không bỏ qua, yêu cầu lấy mẫu mang đi hóa nghiệm, phân tích.
Để thể hiện coi trọng việc hóa nghiệm, phía Mỹ đã sử dụng các hóa chất và dụng cụ mang từ chiến hạm của họ tới. Thế nhưng, kết quả giám định ngày càng khiến phía Mỹ mất mặt. Có người nói đùa: “Nếu trên tàu có chở Cocacola chắc Mỹ cũng đòi mang đi hóa nghiệm.
Số thùng hàng bị mở ra ngày một nhiều, nhưng thứ hàng hóa mà Mỹ muốn tìm vẫn không lộ diện. Thế nhưng, họ vẫn không cam tâm bỏ cuộc, cũng không có ý định chấp nhận sự thực, ngang nhiên xé bỏ văn bản thỏa thuận 3 bên đã đạt được, ngang ngược đòi kiểm tra toàn bộ hàng hóa trên tàu, bao gồm cả những thùng hàng đưa lên từ nước thứ ba.
Ông Sa Tổ Khang, trưởng đoàn kiểm tra phía Trung Quốc |
Phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ đưa ra lý do chính đáng của việc đòi mở rộng phạm vi kiểm tra. Phía Mỹ chỉ lặp lại luận điệu “Washington tin rằng trên tàu có hai loại hóa chất nguy hiểm”, còn không đưa ra được chứng cứ nào khác. Cuối cùng, người phụ trách cao nhất của Mỹ huỵch toẹt:
“Dù không có chứng cứ, Mỹ cũng vẫn nghi ngờ những hàng hóa trên tàu Ngân Hà, bao gồm cả những container được chất lên từ Nhật và Singapore. Nếu không để phía Mỹ kiểm tra toàn bộ hàng hóa thì Mỹ sẽ không thừa nhận kết quả kiểm tra”.
Ngày 1/9, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập khẩn cấp quan chức sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tới phản đối hành vi bội tín, vi phạm cam kết của Mỹ; nêu rõ lập trường phản đối Mỹ can thiệp vào số hàng hóa đến từ nước thứ 3, cảnh báo nếu tiến hành việc kiểm tra như thế thì Mỹ phải chịu mọi hậu quả có thể phát sinh;
đồng thời yêu cầu Mỹ 2 điểm: thứ nhất, phải thừa nhận bằng văn bản kết quả kiểm tra cho đến thời điểm này, tức là 49 container chở từ Trung Quốc không có hai loại hóa chất Mỹ cần tìm; thứ hai, cam kết sau khi hoàn thành việc kiểm tra tất cả hàng hóa trên tàu Ngân Hà phải ký báo cáo kết quả kiểm tra cùng với Trung Quốc và Ả rập Saudi.
Để đề phòng phía Mỹ lại gây chuyện, phủ định kết quả kiểm tra, Tổ trưởng Trung Quốc Sa Tổ Khang yêu cầu 3 bên ký biên bản ghi chép kết quả kiểm tra từng ngày, Mỹ buộc phải chấp nhận kiến nghị này. Từ đó, hàng ngày trên biên bản kiểm tra có hai cột ghi “Thiodiglycol” và “Thionyl chloride”, dưới đó luôn có chữ “không” và 3 chữ ký của 3 tổ trưởng bằng 3 loại văn tự khác nhau.
Ngày 4/9, thùng container thứ 628, tức thùng cuối cùng trên tàu Ngân Hà được kiểm tra xong. Kết quả kiểm tra hoàn toàn giống như trước đó, hy vọng cuối cùng của Mỹ mưu đồ giương chiêu bài ngăn chặn phát triển vũ khí hóa học để làm hại Trung Quốc đã phá sản.
Tàu Ngân Hà bị đưa vào cảng Amman để kiểm tra |
Cùng ngày, đại diện 3 nước Trung Quốc, Ả rập Saudi và Mỹ đã ký tên vào bản báo cáo kết quả kiểm tra toàn bộ hàng hóa. Phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho việc tàu Ngân Hà bị chậm trễ trả hàng 33 ngày, nhưng sau đó mọi việc bị phía Mỹ lờ đi…
Hai bên cùng mất mặt?
Sau này khi làm khách chương trình “Mặt đối mặt” trên Đài truyền hình trung ương (CCTV), nói về sự kiện bị coi là “Trung Quốc lép vế trước Mỹ, bị Mỹ làm nhục” này, ông Sa Tổ Khang, trưởng đoàn kiểm tra phía Trung Quốc khi đó nói: “Sự kiện tàu Ngân Hà” chưa từng xảy ra trước đó. Hai nước Trung Quốc, Mỹ đều là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đều là nước có vũ khí hạt nhân; nếu xử lý không thỏa đáng, rất có thể sẽ xảy ra xung đột vũ trang”.
Ông nói thêm: “Bản thân việc đồng ý để cho Mỹ lên tàu kiểm tra đã có tính nhạy cảm chính trị rất lớn, dễ gây nên nhiều hiểu lầm. Cần phải nói rõ đó là quyết định rất khó khăn mà chính phủ phải đưa ra khi đó. Thực tế chứng minh và tôi cảm thấy việc (chấp nhận) kiểm tra này là đúng đắn”.
Ông cho biết mình tán thành quyết định này, vì “nếu anh từ chối, người Mỹ sẽ nói, quả nhiên chúng tôi nói đúng, trên tàu chắc chắn có thứ đó, thế thì có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa được nỗi oan”. “Giữa hai cái hại thì chọn cái nhẹ hơn. Để cho họ kiểm tra, ở mức nào đó chúng ta cảm thấy bị làm nhục và cũng thấy bất lực, mất mặt; nhưng đến khi sự việc được làm rõ thì bên mất mặt chính là Mỹ”…/.