Xu hướng sử dụng thuốc Generic
Khi căn bệnh ung thư phổi của cha đang ngày càng tồi tệ hơn, nhà môi giới tài chính Yin Min (51 tuổi), sinh sống ở Thượng Hải phải đối mặt với sự lựa chọn khá khó khăn, hoặc là trả 3.000 USD/tháng để bố cô được sử dụng thuốc chuẩn, được nhập khẩu chính thức, được cấp phép đầy đủ tại các nhà thuốc truyền thống với giá vô cùng đắt đỏ và đúng thương hiệu, hoặc là chỉ phải mất một khoản tiền nhỏ hơn mua những loại thuốc tương đương (Gerenic) chưa được phê duyệt ở Trung Quốc trên thị trường xám.
Thuốc Generic giống hệt thuốc phát minh (Brand Name Drug) ở dạng bào chế, độ an toàn, tác dụng, cách dùng, chất lượng, đặc tính và hiệu quả điều trị. Mặc dù các loại thuốc Generic là tương đương với các thuốc thương hiệu nhưng thường bán giảm giá đáng kể so với giá thương hiệu. Thuốc Generic là một loại thuốc phiên bản khác của thuốc phát minh, được bảo hộ bằng các bằng sáng chế để giúp bảo vệ các công ty dược phẩm có khả năng thu hồi lại chi phí đã đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm thông qua việc độc quyền bán các sản phẩm thuốc.
Khi bằng sáng chế hết hạn, các nhà sản xuất khác có thể bắt đầu sản xuất thuốc Generic. Thuốc Generic có chi phí và giá thành sản xuất thấp hơn so với thuốc phát minh (Brand) nhiều lần do không tốn chi phí nghiên cứu ban đầu nên có giá khá phù hợp với mặt bằng thu nhập tại các nước đang phát triển và các nước chưa phát triển.
Trước năm 2000, thuốc Generic chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu dược phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, với sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi (chiếm 50% dân số thế giới), công nghiệp sản xuất thuốc Generic đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vào năm 2004, tỷ trọng thuốc Generic toàn cầu chỉ chiếm 5,9% tổng giá trị sử dụng thuốc. Tỷ trọng này tăng mạnh trong một thời gian ngắn lên mức 10% vào năm 2013. Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ trọng thuốc Generic dù tăng mạnh về mặt số lượng nhưng không thể đuổi kịp các thuốc phát minh về mặt giá trị. Do đó, tỷ trọng thuốc Generic trên toàn cầu dự sẽ duy trì ổn định ở mức 10%.
Sản xuất thuốc Generic đang là xu hướng chủ đạo tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc... Tuy nhiên, chất lượng các thuốc Generic này không hoàn toàn giống nhau mà phụ thuộc vào trình độ công nghệ và định hướng kinh doanh của từng doanh nghiệp dược phẩm, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả của thuốc và sức khỏe của người sử dụng thuốc. Do đó, xuất hiện sự khác biệt khá lớn giữa thuốc Generic chất lượng cao và thuốc Generic chất lượng thấp với sự khác biệt chủ yếu từ thành phần chất lượng hoạt chất chính và bí mật công nghệ của tá dược.
2/3 số bệnh nhân lựa chọn thuốc thay thế
Theo Reuters, hoàn cảnh của cô Yin cũng giống như bao gia đình khác ở Trung Quốc, phải quay sang xu hướng phổ biến hiện nay đó là mua thuốc Generic ở những thị trường không được kiểm soát như các nhà thuốc và đại lý thuốc trên mạng trực tuyến. Cô Yin đã mua một phiên bản khác của loại thuốc Iress, được trực tiếp sản xuất tại Ấn Độ, tuy nhiên không được phê duyệt sử dụng ở Trung Quốc. “Với tình cảnh mà tôi đang phải đối mặt, thật khó để nói về những áp lực tài chính mà tôi đang phải trải qua”, cô Yin nói. Cô Yin đã mua thuốc Generic này cho cha cô sử dụng tất cả là 13 lần, và giá thành rẻ hơn so với loại thuốc chuẩn thương hiệu của Trung Quốc.
Được biết, trong số 39 bệnh nhân ung thư được Reuters phỏng vấn trong năm qua, 2/3 số bệnh nhân phải lựa chọn phương án tương tự như cô Yin, bởi giá thuốc quá đắt đỏ và càng ngày càng tăng cao, cũng như sự thiếu tiếp cận với các loại thuốc mới ở Trung Quốc. Các bệnh nhân được phỏng vấn ở độ tuổi từ 32-81, với các loại bệnh ung thư khác nhau cũng như mức thu nhập cũng khác nhau.
Hiện nay, không có số liệu chính thức về số lượng bệnh nhân mắc ung thư ở Trung Quốc chuyển sang sử dụng các loại thuốc trị bệnh ngoài thị trường xám, nhưng các nhưng các nhà nghiên cứu cho thấy đã có sự gia tăng trên toàn cầu trong vấn đề sử dụng các loại thuốc trên thị trường này.
Thị trường xám là một thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất ra loại hàng hóa đó hoặc ngoài ý muốn của cơ quan nhà nước điều tiết thị trường.
Bà Liu Xuemei, một bệnh nhân ung thư 61 tuổi, sống ở Bắc Kinh cho biết, cô đã tìm tới một đại lý thuốc tây để tìm mua phiên bản khác thay thế cho thuốc Zadaxin đã được phê duyệt nhưng giá thành lại rẻ hơn. Không chỉ bà Liu Xuemei, ông Zhao Xiaohua mắc ung thư phổi cũng nói rằng ông đã tìm thấy loại thuốc rẻ hơn thông qua một bác sĩ của mình.
Các bệnh nhân cho biết bác sĩ điều trị cũng thường nhắm mắt làm ngơ để họ mua thuốc thông qua thị trường xám. Một số bác sĩ thậm chí còn tích cực giúp đỡ bệnh nhân mua thuốc qua kênh này. Những loại thuốc thay thế có giá thành rẻ hơn mặc dù có thể không có hại gì đến sức khỏe, nhưng trong thành phần lại có những chất không hiệu quả hoặc thuốc giả.
Không đủ điều kiện tài chính
Lý do chính khiến các bệnh nhân ung thư chuyển sang sử dụng các loại thuốc này phần lớn là do không đủ điều kiện tài chính. Lương thấp, sự phân biệt giữa giàu và nghèo ở khu vực thành thị và nông thôn, chính sách hoàn tiền cho nhà nước, trong khi tiền bảo hiểm eo hẹp khiến cho các bệnh nhân ung thư càng khó khăn về mặt tài chính, không những thế còn tạo nên gánh nặng lớn cho xã hội và tăng nợ lên.
Một nguyên nhân nữa khiến người Trung Quốc tìm đến các loại thuốc thay thế đó là những vướng mắc trong quá trình phê duyệt thuốc. Có nghĩa là quá chậm trễ trong quá trình phê duyệt vì Trung Quốc yêu cầu tất cả các loại thuốc mới được kiểm tra và phê duyệt trong nước.
Yêu cầu là thế nhưng lại thiếu đội ngũ chuyên gia để thực hiện khâu này, chính vì vậy mà đã chậm trễ, nay lại càng chậm trễ hơn. “Có rất nhiều loại thuốc ung thư mới được phê duyệt ở Anh - Mỹ, nhưng về đến Trung Quốc phải chờ đợi đến tận 5-7 năm. Việc phê duyệt thuốc có thể cần thời gian, nhưng người bệnh lại không có thời gian để chờ đợi”, Li Tiantian, một bác sĩ kiêm người sáng lập diễn đàn y tế DXY.com, “5 năm tỷ lệ người mắc ung thư sống sót ở Trung Quốc chỉ có 30%, thấp hơn một nửa so mới Mỹ”.
Hơn nữa, Danh mục thuốc được chi trả bởi bảo hiểm y tế chỉ mới được cập nhật vào năm 2009. Điều đó có nghĩa là nếu thuốc đặc trị đã được kiểm tra và phê duyệt bởi chính phủ Trung Quốc thì các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có bảo hiểm y tế cũng không thể sử dụng nó nếu họ không tự trả tiền. Khi phóng viên của Reuters phỏng vấn, phía Bộ Y tế Trung Quốc cũng không đưa ra câu trả lời về vấn đề bệnh nhân chuyển sang sử dụng các loại thuốc chưa được phê duyệt trên thị trường, hay việc thiếu tiếp cận của người dân với các loại thuốc mới.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc năm ngoái đã có 4 triệu ca ung thư mới và dự luật chăm sóc sức khỏe cá nhân của nước này cao gấp 4 lần, có thể tăng tới 12,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (184 tỷ USD) vào năm 2025. “Nếu chúng tôi không thể mua hoặc không đủ khả năng mua thuốc chuẩn ở Trung Quốc, vậy ngoài lựa chọn đó chúng tôi có cách nào khác không?”, Duan Guangping, nhân viên ngân hàng ở Trùng Khánh có mẹ bị ung thư phổi năm 2011 và anh đã phải mua thuốc thay thế cho mẹ có nguồn gốc từ Bangladesh.
Trước thực trạng trên, Trung Quốc cũng đang tìm cách để tăng độ bao phủ bảo hiểm đối với các nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất thuốc giảm giá thành để người dân tiếp cận thị trường thuốc tốt hơn... nhưng các thay đổi đều diễn ra hết sức chậm chạp trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường và của bệnh tật trên toàn Trung Quốc.
Rủi ro về pháp lý
Không có điều kiện mua thuốc đắt tiền, người mua thuốc thông qua thị trường xám còn có thể gặp rủi ro về mặt pháp lý. Lu Yong, một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, đã bị bắt hồi năm ngoài với cáo buộc bán các lại thuốc không được phê duyệt và gian lận thẻ tín dụng, nhưng sau đó ông đã được thả vì người dân phản đối công khai.
Năm 2004, sau khi mua một phiên bản khác của loại thuốc Iressa xuất xứ từ Ấn Độ, ông Lu Yong đã thành lập một trang web bán thuốc dành cho những bệnh nhân bị ung thư máu, những người muốn mua thuốc trị bệnh nhưng lại mua được thuốc giá rẻ hơn. Ban đầu giá thuốc này là khoảng 3.000 nhân dân tệ (435 USD), sau đó giảm dần theo từng năm. Để có được mức giá này ông Lu đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để xin được giấy cấp phép từ hãng dược phẩm AstraZeneca.
Sau khi được chính quyền trả tự do, ông Lu đã từ chối cuộc phỏng vấn với Reuters, nhưng trong cuộc phỏng vấn trước đó, ông đã nói ông không bao giờ hưởng lợi từ việc bán thuốc và chỉ muốn giúp đỡ những người mắc bệnh. “Đó là bởi các vấn đề về hệ thống bảo hiểm y tế của Trung Quốc, nó đã khiến cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng khả năng sống sót lại rất mong manh”, ông Lu nói.