Trung Quốc 'bủa lưới' bắt quan tham trốn ra nước ngoài thế nào?

Danh sách 100 quan tham bị phát lệnh truy nã đỏ
Danh sách 100 quan tham bị phát lệnh truy nã đỏ
(PLO) -Ngày 16/11/2016 vừa qua, sau 13 năm bỏ trốn, di chuyển liên tục qua nhiều nước, Dương Tú Châu, người đứng đầu “Danh sách 100 người bị Trung Quốc phát lệnh truy nã đỏ toàn cầu” (gọi tắt là “Danh sách đỏ 100”) đã từ Mỹ về Trung Quốc đầu thú. 4 ngày sau, lại thêm 1 người nữa bị bắt. 

Tính đến nay đã có 37 người trong “Danh sách đỏ 100” bị sa lưới cho thấy công tác truy bắt tội phạm nghiêm trọng bỏ trốn ra nước ngoài, thu hồi tang vật đã có tiến triển quan trọng mang tính giai đoạn. Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để đạt được kết quả đó.

“Danh sách đỏ 100” - tham ô, nhận hối lộ

Tháng 4/2015, căn cứ kế hoạch của chiến dịch “Thiên võng” (Lưới trời), Trung tâm Interpol quốc gia Trung Quốc công bố Lệnh truy nã đỏ đối với 100 nghi phạm liên quan đến những vụ án tham nhũng nghiêm trọng bỏ trốn ra nước ngoài. “Danh sách đỏ 100” đã gây nên sự quan tâm đặc biệt ở cả trong nước và quốc tế.

Trong “Danh sách đỏ 100”, các nghi phạm bị truy nã phần lớn là “Người lãnh đạo số 1” hoặc “giữ chức vụ then chốt” của các cơ quan đảng, chính quyền và công ty, xí nghiệp; trong đó, có 48 người là “lãnh đạo số 1”, hơn 60% phạm tội tham ô và nhận hối lộ rồi ôm tiền chạy trốn.

Dương Tú Châu đứng đầu “Danh sách đỏ 100” trước khi đào thoát sang Singapore là đảng ủy viên, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, phạm tội tham ô, nhận hối lộ trong thời gian giữ chức Phó thị trưởng thành phố Ôn Châu.

Trong “Danh sách đỏ 100” cũng có những kẻ tuy chức vụ không cao, nhưng do liên quan đến cương vị ở ngành có lợi ích kinh tế lớn, như chi đội cảnh sát, kế toán công ty, thủ quỹ xí nghiệp hay ngân hàng…nên “chức vụ nhỏ tham ô khủng”. Đó là trường hợp Lý Hoa Ba, một trưởng tiểu ban thuộc Phòng Tài chính  huyện Phiên Dương, Giang Tây trong mấy năm đã thông đồng với người khác tham ô tới 94 triệu RMB (Nhân dân tệ, tức 310 tỷ VND) rồi bỏ trốn.

Giáo sư Luật học Hoàng Kinh Bình (Đại học Nhân dân Trung Quốc) phân tích: Trong tình thế không thể che đậy được hành vi phạm tội, những kẻ này thường chọn cách trốn ra nước ngoài hòng lẩn tránh sự truy cứu, trừng phạt của pháp luật.

Rất nhiều người trước khi bỏ trốn đã lập kế hoạch tỉ mỉ, thông qua những kẽ hở của cơ chế giám quản để trốn ra nước ngoài theo các con đường: đầu tư di dân, đi du lịch rồi ở lại, tỵ nạn chính trị, sau đó thay đổi lý lịch, luồn lách qua các nước.

Nghi phạm số 1 Dương Tú Châu bị đưa về nước đầu thú
Nghi phạm số 1 Dương Tú Châu bị đưa về nước đầu thú

Ví vụ, Dương Tú Châu đã trốn qua 5-6 nước. Nhìn chung, những kẻ trốn càng lâu thì càng khó truy bắt. Trong “Danh sách đỏ 100”, kẻ trốn sớm nhất là năm 1996, đã 20 năm vẫn chưa bắt về quy án được.

Về nơi trốn, đích được nhiều kẻ tìm đến nhất là Mỹ và Canada, trong “Danh sách đỏ 100”, có 40 người đến Mỹ, 26 người tới Canada, tiếp đó là New Zealand, Australia, Thái Lan, Singapore… Vì sao những quan tham bỏ trốn đều thích tới Mỹ và Canada?

Ông Hoàng Phong - Viện trưởng nghiên cứu luật hình sự quốc tế trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học pháp luật hình sự Bắc Kinh - cho rằng: Đó là do giữa Trung Quốc với hai quốc gia này chưa có hiệp ước dẫn độ; việc truy bắt chỉ có thể thực hiện thông qua các biện pháp có tính thay thế như khuyên bảo, di lý, truy tố ở nước ngoài. Chính vì vậy, từ trước đến nay, các nước phương Tây trở thành trọng điểm truy bắt nghi phạm, truy thu tang vật, đồng thời cũng là điểm khó khăn nhất.

37 nghi phạm đã bắt được

Kể từ khi phát lệnh truy nã những người có tên trong “Danh sách đỏ 100”, công tác “truy bắt, truy thu”  được triển khai từng bước, có phương pháp. Trong 7 tháng của năm 2015 đã đưa được 18 người về quy án.

Bước sang năm 2016 đến cuối tháng 11, có thêm 19 người nữa sa lưới; trong đó chỉ từ tháng 6 đến tháng 11 đã có 10 kẻ bị tóm. Ngoài ra, công tác truy bắt những quan tham khác cũng được tiến hành đồng bộ. Số liệu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) cho biết: tính đến tháng 9/2016, Trung Quốc đã bắt được 2.210 nghi phạm trốn tại hơn 70 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có 363 nhân viên công tác nhà nước, truy thu được 7 tỷ 994 triệu Tệ (26.380 tỷ VND).

Trong số 18 người trong “Danh sách đỏ 100” bị bắt quy án trong năm 2015, có 2 bị bắt ở trong nước, chết 2, 7 người được khuyên về đầu thú và 7 bị di lý về nước. Tính chung, về phương thức truy bắt các nghi phạm trong “Danh sách đỏ 100” thì đa số được khuyên nhủ về nước đầu thú, chiếm  22/37 người.

“Khuyên về” là biện pháp thông qua sự phối hợp của cơ quan tư pháp quốc gia sở tại để răn đe về pháp luật và gợi mở về chính sách buộc nghi phạm bỏ trốn chủ động về nước chấp nhận sự xử lý của pháp luật. Ông Hoàng Phong cho rằng: “Khuyên về” là biện pháp kinh tế nhất, có hiệu quả nhất, có thể tránh được những trình tự khá phức tạp gặp phải trong quá trình dẫn độ, di lý.

Lý Hoa Ba bị bắt đưa từ Singapore về nước trị tội
Lý Hoa Ba bị bắt đưa từ Singapore về nước trị tội

Di lý về nước cũng là một phương thức quan trọng để truy bắt nghi phạm bỏ trốn. Khác với khuyên về, phía Trung Quốc phải cung cấp cho quốc gia sở tại manh mối phạm tội của nghi phạm để họ cưỡng chế đưa sang nước thứ 3. Ví dụ Dương Tiến Quân, em trai Dương Tú Châu, đã bị Mỹ cưỡng chế đưa về Trung Quốc quy án tháng 9/2015. Đây là trường hợp đầu tiên phía Mỹ bắt và di lý nghi phạm người Trung Quốc về nước.

Đối với việc truy bắt, truy thu tang vật của các tội phạm quốc tế, dẫn độ là một chế độ hợp tác quốc tế quan trọng. Hiện Trung Quốc đã ký hiệp ước dẫn độ với 44 quốc gia, nhưng chủ yếu tập trung ở châu Á và các nước đang phát triển.

Các nước tập trung đông nghi phạm đào tẩu như Mỹ, Canada Trung Quốc đều chưa ký kết được hiệp ước dẫn độ nên thiếu sự hợp tác bình thường về chế độ tư pháp. Vì vậy công tác truy nã các đối tượng trong “Danh sách đỏ 100” ở các nước phương Tây vừa là trọng điểm, nhưng cũng là nơi khó khăn nhất.

Xúc tiến ngoại giao, hợp tác quốc tế

Gần đây chính phủ Trung Quốc đã tích cực xúc tiến hợp tác quốc tế, triển khai hoạt động ngoại giao chống tham nhũng thành công, đạt kết quả khả quan.

Ngày 27/10/2005, Hội nghị 18 Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 10 đã phê chuẩn việc Trung Quốc tham gia “Công ước quốc tế chống tham nhũng Liên Hợp quốc”; tháng 11/2014, Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC lần thứ 26 họp tại Bắc Kinh đã thông qua “Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng”, thành lập Mạng lưới hợp tác tư pháp chống tham nhũng APEC.

Hội nghị các nhà lãnh đạo G20 họp ở Hàng Châu tháng 9/2016, đã nhất trí phê chuẩn, thông qua “Nguyên tắc cấp cao của nhóm G20 về chống tham nhũng, truy bắt tội phạm, truy thu tang vật”, thiết lập Trung tâm đặt ở Trung Quốc và thông qua “Kế hoạch hành động chống tham nhũng 2017-2018”.

Trung Quốc cũng đã đạt được nhận thức chung quan trọng trong hợp tác với Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao G20, hai bên đạt được nhận thức chung quan trọng trên 35 vấn đề, trong đó có hợp tác chống tham nhũng với một loạt văn kiện về hợp tác di lý tội phạm và di dân phi pháp; chống rửa tiền và trả lại tài sản tham nhũng, hợp tác chống rửa tiền và quyên tiền cho hoạt động khủng bố…

Một nghi phạm bỏ trốn bị di lý về nước
Một nghi phạm bỏ trốn bị di lý về nước

Việc hợp tác với các nước khác truy bắt nghi phạm cũng có tiến triển  quan trọng. Tháng 7/2015 Trung Quốc đã ký với Pháp hiệp ước dẫn độ, tháng 12/2015, Hiệp ước dẫn độ ký với Italia chính thức có hiệu lực.

Ngày 19/9, Tổ công tác “Săn cáo” của Bộ Công an Trung Quốc đã dẫn giải nghi phạm Trần X phạm tội ở Chiết Giang từ Pháp về nước, trở thành đào phạm đầu tiên được dẫn độ về sau khi hiệp ước dẫn độ hai bên có hiệu lực.

Ngoài ra, hoạt động “ngoại giao chống tham nhũng” cũng liên tiếp có đột phá. Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác tư pháp với Canada và các nước phát triển; hợp tác chống tham nhũng với các nước ASEAN cũng thoát khỏi tình trạng đóng băng.

Cho đến nay, Trung Quốc đã ký 4 Bị vong lục, 6 hiệp ước dẫn độ, 6 hiệp ước hợp tác tư pháp hình sự với các nước này; đã có 6 trong số 8 kẻ có tên trong “Danh sách đỏ 100” trốn sang các nước ASEAN bị đưa về Trung Quốc...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.