Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ thống pháp luật cũng như những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề cải tổ và phát triển của LHQ.
Hội nhập trên “nôi” luật pháp
Điểm lại lịch sử, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc.
Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEUFTA).
Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017. Việt Nam cũng đã phê chuẩn tham gia CPTPP. Đến nay, có khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm…
Năm 2018 vừa qua là thời điểm quan trọng trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) và là năm bản lề cho HNKTQT của Việt Nam. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh HNKTQT của đất nước, một trong các yêu cầu đặt ta là: Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế...
Để HNKTQT, dứt khoát phải khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập quốc tế; Nội luật hoá theo lộ trình phù hợp với những cam kết, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới.
Đồng thời, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế; có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên; Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động phù hợp.
Việc Việt Nam đã trúng cử thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019 – 2025 vừa khẳng định vị thế của Việt Nam, vừa nói lên rằng Việt Nam đã tham gia tích cực vào “chế định” luật pháp của HNKTQT.
UNCITRAL – pháp quyền cấp độ quốc tế
UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý của LHQ, được Đại hội đồng LHQ lập ra từ năm 1966 với mục đích và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Để mở rộng và tăng cường các cơ hội thương mại toàn cầu, UNCITRAL đưa ra các quy tắc hiện đại, công bằng và hài hoà đối với các giao dịch thương mại. Bao gồm: Các quy ước, luật và quy tắc mẫu được chấp nhận trên toàn thế giới; Các hướng dẫn về luật và pháp lý có ý nghĩa thực tế lớn; Các thông tin cập nhật về các case law và việc ban hành luật thương mại thống nhất; Trợ giúp kĩ thuật cho các dự án cải cách, sử đổi luật; Hội nghị quốc gia và khu vực về vấn đề luật thương mại thống nhất.
Đây là cơ chế quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý, thảo luận những vấn đề pháp lý đặt ra trong thương mại quốc tế. Việc Việt Nam trúng cử thành viên UNCITRAL là cơ hội rất quan trọng tham gia đóng góp vào lợi ích chung và đảm bảo lợi ích của mình trong lĩnh vực gắn bó trong cả quá trình HNKTQT của đất nước.
Hiện nay, vấn đề cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư cũng như với Chính phủ, là một vấn đề sát sườn. Luật sư Ngô Khắc Lễ, thành viên Trung tâm Trọng tài VIAC, chuyên gia tư vấn trong tranh chấp hàng hải cho biết: “Quá trình giải quyết tranh chấp thường kéo dài, tốn kém; đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển trong tình trạng đội ngũ luật sư, tri thức về luật còn hạn chế, nguồn tài chính hạn chế… thì làm sao giảm thiểu tranh chấp trong HNKTQT”.
“Khi xảy ra tranh chấp và đưa ra các cơ chế pháp lý quốc tế như trọng tài thương mại hoặc các cơ chế khác thì làm sao phải đảm bảo lợi ích chính đáng công bằng cho cả hai bên”, ông trăn trở…
Sau khi ứng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ, Việt Nam đã xây dựng nội dung, nghiên cứu kỹ chức năng nhiệm vụ của tổ chức này. Và để trở thành thành viên UNCITRA, Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản dựa trên những kinh nghiệm mà trước đây có được khi tham gia vào nhiều diễn đàn của LHQ.
Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên UNCITRAL xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đóng góp vào thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam, khu vực cũng như toàn thế giới.
Và sự kiện Việt Nam ứng cử thành công, lần đầu tiên trở thành thành viên UNCITRAL thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam. Đó là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, thương mại cũng như sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật thương mại quốc tế.
Tiếp theo việc trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ (năm 2016), việc trở thành thành viên UNCITRAL đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập pháp lý đa phương, chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi ở cấp độ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam.
Bên cạnh đó, vai trò thành UNCITRAL cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn hiện khuôn khổ pháp luật trong nước theo hướng phù hợp với chuẩn mực chung, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thách thức đặt ra
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, trong đó có các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTTP, đòi hỏi không ngừng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Với việc trở thành thành viên UNCITRAL, các bộ, ngành, chuyên gia pháp lý của Việt Nam sẽ có điều kiện phát huy hiệu quả hơn nữa các văn kiện và sáng kiến của UNCITRAL trong việc giải quyết các thách thức như: Hoàn thiện pháp luật về thương mại, triển khai các cam kết về tự do hóa thương mại, đầu tư nước ngoài; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Đổi mới chính sách, hoàn thiện cơ chế, triển khai các biện pháp đồng bộ và nhất quán để thu hút đầu tư có chất lượng; Phòng ngừa khiếu nại, tranh chấp và giải quyết thỏa đáng các khiếu nại, tranh chấp thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, trở thành thành viên UNCITRAL cũng là những thách thức, Việt Nam phải chủ động bố trí nhân lực, nguồn lực để tham gia, đặc biệt nhân lực cán bộ, chuyên gia pháp lý, đối ngoại có chuyên môn sâu, có kỹ năng đối ngoại đa phương, có đủ năng lực để tham gia, có đóng góp chất lượng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.
Các cơ quan, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, thực hành pháp luật của Việt Nam cũng cần chủ động để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của UNCITRAL để phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, soạn thảo và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước; cũng như cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp về thương mại, đầu tư quốc tế bảo đảm phát triển bền vững trong môi trường HNKTQT.