Thế nhưng, hơn 1 năm nay, Cu “đĩ” bỗng nhiên “ngoan ngoãn” một cách kỳ lạ, mở trang trại nuôi heo rừng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, trở thành nhà từ thiện thường xuyên trao quà, gạo cho những gia đình khó khăn vào dịp lễ tết, mở trại hòm phục vụ miễn phí cho qua đời vì bệnh AIDS và vô gia cư. Có câu “con chim trước khi chết thường cất tiếng hót hay. Con người trước khi chết thường có lời nói phải”, nhiều người đã tưởng Kiệt (bị AIDS giai đoạn cuối) đã hối hận và muốn chuộc lại những lỗi lầm của đời mình...
“Đại ca” xuất thân từ bãi rác
Nhiều người không thể ngờ được rằng, việc Kiệt làm từ thiện chỉ là một trong những mánh khóe tinh vi nhằm che đậy hành vi phi pháp của hắn. Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, tất cả những việc làm sai trái của hắn đều không lọt qua con mắt nhà nghề của lực lượng công an. Sau hơn 1 năm bí mật lên phương án, ngày 9/5/2015 vừa qua, Công an TP.Hồ Chí Minh đã ập vào “sào huyệt” tóm gọn tên Kiệt và đồng bọn.
Ngày trước, khu Sở Thùng (quận Bình Thạnh) vốn là vựa rác lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, là nơi tập trung nhiều người dân lao động nghèo, vô gia cư và các thành phần bất hảo sinh sống. Khi bãi rác trở thành nguồn thu nhập lớn, bất tận thì cũng là lúc những cuộc đụng độ, tranh giành lãnh địa xảy ra giữa các băng nhóm trong khu vực. Gia đình Kiệt cũng thuộc dạng máu mặt ở địa bàn bãi rác khi đó.
Nguyễn Hồng Kiệt (tức Cu “đĩ”) |
Có “tiếng nhất” là cô ruột của Kiệt, tức Huỳnh Thị Kim Lệ được giới giang hồ mệnh danh là “bà trùm Le” chuyên cho vay nặng lãi, tổ chức lừa đảo thông qua việc thuê nhà trọ, có trong tay hàng trăm đàn em. Ả này cũng từng vào tù ra tội, bị phạt hành chính nhiều lần với nhiều tội danh. Năm 2014, do xích mích làm ăn, “bà trùm” không kìm nén được cơn tức giận đã cùng đàn em cầm hung khí xông vào một nhà nghỉ trên địa bàn chém người và phá tan đồ đạc.
Lớn lên trong môi trường phức tạp, ảnh hưởng từ lối sống chợ búa của gia đình, Kiệt sớm trở thành lưu manh đường phố. Hơn 10 tuổi hắn nhanh chóng gia nhập vào “đội quân” đạo chích, trộm cắp, thường đi tới các khu chợ gần nhà hành nghề. Nhờ “gen di truyền”, chẳng mấy chốc Kiệt được tôn vinh làm đại ca với “hỗn danh” là Cu “đĩ” bởi tài lươn lẹo đĩ điếm. Tuy nhiên, “đi đêm lâu ngày cũng gặp ma”, chỉ một thời gian sau hắn bị bắt về tội “Trộm cắp tài sản”.
Ra tù, Kiệt không những không quay đầu lại mà còn tăng thêm “số má” không thèm trộm vặt mà thu nhận đệ tử, “nâng cấp” làm kẻ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy và trở thành con nghiện nặng. Với máu côn đồ có sẵn cùng với sự giúp đỡ của bà trùm Le và gia đình, Cu “đĩ” nhanh chóng trở thành đại ca có tiếng ở Sở Thùng. Tiếng tăm của Cu “đĩ” cũng thuộc hàng “chiếu trên” nhưng “miếng” nào ngon đều bị bà cô xơi hết khiến Cu “đĩ” ngấm ngầm bất bình.
Đã mấy lần, Kiệt gợi ý xin thêm địa bàn làm ăn nhưng bà trùm Le hoặc phớt lờ hoặc bóng gió nói “chưa đủ trình” khiến gã điên tiết quay sang chống đối với cô mình. Cuộc chiến cô-cháu kéo dài suốt mấy năm liền và cuối cùng sức trẻ đã chiến thắng. Bà trùm Le phải nhường lại gần phân nữa địa bàn cho Kiệt để được sống trong hòa bình. Khoảng 2 năm trở lại đây, bộ đôi cô-cháu này đã thân thiết lại như xưa, nhưng theo người dân địa phương nguyên do từ việc làm ăn, thực tế giữa họ chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Đến “ông trùm” cờ bạc
Lại nói về Kiệt, từ khi chiếm được địa bàn lớn, hắn mở rộng thêm nhiều “ngành nghề” làm ăn khác như bảo kê, đòi nợ, đâm thuê chém mướm, tổ chức đánh bài bạc, đá gà... Nhờ có tiếng tăm nên các “hợp đồng” đều được đàn em Cu “đĩ” xử lý nhanh gọn, ít khi phải đổ máu. “Tiếng dữ đồn xa”, lưu manh khắp nơi đổ về xin được quy thuận, Kiệt phất lên nhanh như diều gặp gió.
Một số người dân cho biết, có tiền Kiệt mua đất cất nhà kéo anh em họ hàng và đàn em về quay khu Sở Thùng sống để tạo vây cánh khiến người dân lương thiện sợ một phép. Nhiều gia đình vì sợ con cái bị ảnh hưởng hoặc không chịu nổi áp lực phải bán nhà chuyển đi nơi khác sống. Rất nhiều người chứng kiến cảnh Kiệt tổ chức đánh bài nhưng đến nhìn cũng không dám nhìn vì sợ chúng cho rằng tò mò để báo công an.
Thậm chí, cả đến nói chuyện người dân cũng không dám nói lớn, sợ nhỡ có lỡ lời đụng chạm đến chúng sẽ mang họa. Năm 2006, người dân chưa kịp vui mừng khi hay tin Kiệt bị bắt về tội “Tàng trữ trái phép ma túy” thì lại hay tin hắn được về nhà vì có giấy chứng nhận bị bệnh AIDS giai đoạn cuối. Sau 3 lần xử, tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành án với hắn.
Cũng theo người dân, lần trở về này Kiệt thay đổi hẳn tâm tính, dù vẫn hoạt động phi pháp nhưng không ngông nghênh, khát máu như xưa. Một thời gian sau hắn chuyển về khu đất rộng 2.000m2 của gia đình xây tường làm rào sống theo kiểu quy ẩn giang hồ. Bà trùm Le còn phao tin Cu “đĩ” bị bệnh sắp chết nên muốn dành thời gian còn lại làm từ thiện, sửa chữa lỗi lầm. Nhiều người đã tưởng, Kiệt đã biết “quay đầu lại là bờ”.
Trên thực tế, Kiệt cũng tiến hành cải tạo vùng đất trống thành trang trại chăn nuôi heo rừng, mở nhà hòm từ thiện cho những người nghèo và người chết do bị AIDS. Từ một giang hồ cộm cán, Cu “đĩ” thành một nhà từ thiện sẵn sàng giang tay đón những trẻ mồ côi về cưu mang, tổ chức tang lễ miễn phí cho người không nơi nương tựa, phát gạo, trao hàng trăm phần quà cho những gia đình khó khăn vào những dịp lễ tết.
Tấm lòng của Kiệt được nhiều người cảm kích hơn bình thường. Từ cuối năm 2013, nhiều khách lạ tìm đến “cảm ơn” Kiệt chỉ có điều hầu hết đều là những thanh niên bề ngoài bặm trợn, hoặc đều là những người có tiền, có vẻ ngoài rủng rỉnh chứ không phải người nghèo, người cần giúp đỡ hay đã từng mang ơn “nhà từ thiện”. Thêm vào đó, họ không phải đến một lần mà ngày nào cũng đến.
Càng lạ hơn khi từ ngày có nhiều người tới, Cu “đĩ” còn cho gia cố bờ bao bằng lưới sắt, trang bị rất nhiều camera quanh nhà, cổng sắt lúc nào cũng khóa chặt từ bên trong và luôn có người canh gác. Không những thế, một số người dân vô tình đi qua bãi đất trống lập tức bị đàn em của Kiệt bám theo nhìn mặt hằm hè hỏi đủ thứ chuyện. Những hành động bất thường này không thể qua mắt được lực lượng công an và tai mắt của quần chúng.
Còn nữa...