Cần phải xây dựng Luật Ngôn ngữ

Cần phải xây dựng Luật Ngôn ngữ
(PLO) - Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều về đạo đức người làm báo, trong đó có Điều 9 là “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…” đã được đưa vào quy định. Từ quy định này chúng ta không khỏi giật mình khi một khảo sát trước đó cho thấy 50% bài viết trên báo mắc lỗi ngôn ngữ.

Lệch chuẩn, lạm dụng

“Trong những năm gần đây, việc dùng từ ngữ cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện... đã tác động tiêu cực đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ…”- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” trước đó… 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực tế hiện nay ngoài xã hội, trên các diễn đàn, trong một số tài liệu, báo cáo, trên các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa có nhiều biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt. Hiện tượng lạm dụng, sử dụng ngôn từ, từ tiếng nước ngoài đang ngày càng nhiều. Đáng báo động là không có nhiều, không có đủ sự phân tích, nhắc nhở, phê phán những biểu hiện đó. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng các nhà báo cần phải thấm thía vai trò và trách nhiệm trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt vì mỗi một phát ngôn, mỗi câu văn của nhà báo có tính định hướng, lan tỏa sâu rộng trong xã hội và rất nhanh trên cộng đồng mạng”.

Và những vấn đề bất cập, lệch lạc, yếu kém của việc dùng tiếng Việt trên truyền thông đã được đưa ra như: cách viết, cách nói, cách truyền đạt chưa thật đúng, chưa thật chuẩn; cách dùng từ, đặt câu, cách sử dụng các nghi thức lời nói, cách thể hiện văn bản và thể hiện thông điệp truyền thông bằng văn bản và tiếng nói, vấn đề phương ngữ trên truyền thông đại chúng, chính tả và chuẩn chính tả, việc xử lý tên nước ngoài trên báo chí và đặc biệt trên sóng phát thanh, truyền hình; cách sử dụng ngôn ngữ trong việc đặt tít, rút tít, trình bày ma-két, thiết kế và giao diện báo điện tử… Việc giữ gìn bản sắc tiếng Việt qua truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa với trào lưu tiếng Anh đang thâm nhập mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực… 

TS. Bùi Thị Ngọc Anh - Viện Ngôn ngữ học, công bố nghiên cứu về sử dụng lẫn tiếng Anh và tiếng Việt trong các chương trình truyền hình trực tiếp cho trẻ em phát sóng năm 2015 như Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… Theo bà Bùi Thị Ngọc Anh: “Chỉ chấp nhận hiện tượng pha trộn trong chương trình cho trẻ em khi không có từ thay thế”. 

Tuy nhiên, không chỉ sính tiếng Anh, theo nhiều đại biểu, từ Hán - Việt cũng đang bị sử dụng thiếu chính xác. Đại biểu Cao Văn Oanh cho biết có nhiều từ Hán - Việt đang bị sử dụng sai nghĩa hoặc dư thừa, lặp nghĩa. Chẳng hạn khi nói: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang với vai trò chủ tịch nước…” cần phải sửa lại là: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước…”, vì từ “vai trò” người xưa gọi là “nhà trò” bây giờ gọi là “sân khấu”.

Người đóng vai kia chỉ là diễn viên trên sân khấu, còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự thật. Vì thế cần thay từ “vai trò” thành “cương vị”. Chẳng thế, nhà báo Phan Quang nêu hàng loạt dẫn chứng: “Tại sao những người qua đời trong bệnh viện hay tai nạn giao thông lại gọi là “tử vong”, chứ không phải là “qua đời, mất”? Tại sao lại là “tái trồng” chứ không phải là “trồng lại cây”? Tại sao lại gọi là “cận nghèo, tái nghèo, tái lấp mặt đường”?…

Còn PGS-TS Đặng Thị Hảo Tâm - Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ý kiến: “Từ ngữ thuộc phạm trù chiến tranh thường xuyên được phóng viên sử dụng khi viết về các mảng đề tài văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, xã hội. Bắt gặp thường xuyên những từ như mặt trận, trận chiến, ra quân, chiến sĩ… Việc lạm dụng ẩn dụ chiến tranh với một số bài viết gây những liên tưởng không tích cực. Nó cũng khiến ngôn từ biểu đạt hoạt động văn hóa xã hội vốn mang đậm tính nhân văn bị chiến tranh hóa. Ngay cả lĩnh vực an ninh, xã hội cũng cần cân nhắc sử dụng nhóm từ chiến tranh. Đã đến lúc người làm báo cần đổi mới về tư duy chiến tranh khi lập ngôn, tác nghiệp”.

Khảo sát dùng tiếng Việt trên báo chí những năm trước đây của PGS-TS Đào Thanh Lan – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội còn cho thấy 50% bài viết trên báo mắc lỗi ngôn ngữ. Ông Đăng Quang lại cho rằng nếu có từ thuần Việt thì không nên dùng từ Hán - Việt tương đương nữa. Làm như vậy sẽ giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, lại tạo gần gũi với đa số người dân. Ở góc độ khác, GS-TS Nguyễn Văn Khang - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học nói về mức độ khen ngợi, thoạt tiên người ta dùng từ “hay”, “tốt”, “tuyệt vời”, “trên cả tuyệt vời” và tới giờ là “vãi”. Điều đó, theo ông Khang cũng chính là cách mà ngôn ngữ phát triển. Theo đó, chuẩn của thời đại này là chệch chuẩn của thời đại trước, chệch chuẩn của thời đại này có thể trở thành chuẩn của thời đại sau.

Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ tiếng Việt

Và tại hội thảo, phần đa ý kiến cho rằng rất cần xây dựng một Luật Ngôn ngữ tiếng Việt để quản lý và có cơ sở xử phạt các trường hợp nói sai, viết sai.“Thế giới có hơn một nghìn bộ luật ngôn ngữ, thậm chí có những quốc gia ban hành nhiều luật ngôn ngữ để quản lý. Việt Nam nghìn năm văn hiến thì chưa có gì. Ở ta hiện nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân tộc là đòi hỏi quốc dân. Định hướng phát triển cũng như tác động ngoại lai đã rõ, vấn đề là thể hiện thành văn bản pháp quy” - nhà báo Phan Quang nhấn mạnh.  

Ông cũng cho rằng cần rà soát việc dùng tiếng Việt trong các văn bản lập pháp, hành pháp của các cơ quan công quyền, dịch vụ, xã hội… xem đã chuẩn mực hay chưa, bởi những khiếm khuyết về ngôn từ, cấu trúc câu văn một khi đã được lưu hành qua các văn bản công quyền thì rồi sẽ sớm phổ cập trong dân gian, thậm chí số đông sẽ nghĩ rằng phải viết theo cách ấy mới đúng ngôn ngữ chính thống.

Cùng quan điểm, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng cần phải có các bộ quy chuẩn, chuẩn mực ngôn ngữ dành riêng cho báo chí. “Tôi đề nghị sẽ không trao giải báo chí quốc gia hoặc các giải báo chí của ngành cho các tác phẩm không đạt chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt, dù cho nội dung có hay thế nào. Các cơ quan báo chí cần phải đi đầu làm gương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngôn ngữ, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngôn ngữ cho phóng viên” - đại diện Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

“Rất cần luật nhưng luật thì cứ đà này không biết bao giờ mới có. Nên chúng ta cứ chuẩn hóa tiếng Việt từng bước, trước hết là ở các cơ quan báo chí, truyền thông rồi các trường học, cơ quan đoàn thể… Việc chuẩn hóa không nên đóng khung mà phải chuẩn hóa từng giai đoạn, phù hợp với tình hình đất nước” - GS.TS Nguyễn Văn Khang - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bày tỏ.

Còn GS-TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nhấn mạnh, các nhà báo có ảnh hưởng rất lớn trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chính vì thế, việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được đặt ra nghiêm túc hơn.

Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhận định: “Đường lối, quan điểm của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong Đề cương văn hóa (1943), trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Từ mùa thu năm 1945, nước ta được độc lập tự do thì tiếng Việt cũng được độc lập, tự do. Sự kiện lớn nhất đối với tiếng Việt là Hiến pháp 2013 đã hiến định ở Điều 5: “Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia”. Như vậy, căn cứ quan trọng nhất để luật hóa ngôn ngữ đã được đề ra…”.

Đọc thêm

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.