Sau hơn hai ngày xét hỏi, ngày 10/3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT TGĐ Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và 10 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bước sang phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm luận tội với các bị cáo, đại diện VKS cho rằng căn cứ vào tài liệu điều tra, truy tố và lời khai của các bị cáo tại phiên toà, VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các bị cáo hầu hết đều giữ vị trí chủ chốt quan trọng ở tập đoàn về kinh tế hàng đầu của đất nước và được Nhà nước, nhân dân giao phó giữ tài sản của đất nước. Tuy nhiên các bị cáo đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm dẫn đến dự án còn dang dở khiến thất thoát tài sản quốc gia.
Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò người đứng đầu biết liên danh PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC do bị cáo Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch, ông Thăng đã đề ra chủ trương giao cho PVC thực hiện dự án.
Ngoài ra, bị cáo Thăng còn chỉ đạo cấp dưới và chủ trì nhiều cuộc họp kết luận định hướng chỉ định thầu cho PVC được thực hiện thầu trái quy định của pháp luật. Trên cơ sở chỉ đạo của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ dẫn đến hậu quả dự án dừng thi công, chưa có hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác tại tòa. |
Do đó, VKS đánh giá bị cáo Thăng có vai trò chính, vừa là người đưa ra chủ trương, đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện. VKS đề nghị cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng tính chất và hành vi phạm tội, để ngăn ngừa phòng ngừa chung. Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thăng mức án từ 12 – 13 năm tù.
Đối với Trịnh Xuân Thanh, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng bị cáo Thanh biết liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng vẫn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng ký văn bản gửi PVB yêu cầu được chỉ định thầu.
Ngoài ra, bị cáo Thanh còn chủ trì cuộc họp PVC để ban hành nghị quyết với nội dung đồng ý thực hiện gói thầu với giá hơn 59 triệu USD (trước đó đã đưa giá chào thầu là 87 triệu USD). Bị cáo Thanh còn ký công văn gửi ông Đinh La Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu… dẫn đến dự án dừng thì công gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phạm tội với vai trò đồng phạm là người tích cực thực hiện phạm tội, thực hiện phạm tội do một phần lệ thuộc vào sự chỉ đạo cấp trên. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thanh từ 11-12 năm tù.
Ngoài ra bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh từ 21-23 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất từ 30-36 tháng tù, cao nhất mức 7-8 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Về phần dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên bố các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra./.