Báo cáo tại Hội nghị cho biết, ngay sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 (ngày 21/12/2023) đến nay, các Bộ, ngành thành viên Tổ công tác đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Theo đó, đã chi trả qua tài khoản cho 585.975 người đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản; tổng số tiền chi trả trên 1,7 nghìn tỷ đồng…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả rất tích cực của các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong triển khai Đề án 06 thời gian qua; nhiều vướng mắc về quy hoạch, tài chính… đã được khai thông; có nhiều cách làm hay, qua đó tạo niềm tin, động lực để các Bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ còn nhiều việc phải làm. Đó là phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý; đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đồng bộ thiết bị và quy chuẩn trong kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu…
Để triển khai Đề án thành công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải vượt lên chính mình, trước hết là thay đổi cách làm, thay đổi tư duy, dù việc này là khó nhất. Về thời gian, lộ trình hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành “đã hứa là phải giữ lời”, phải quyết liệt triển khai đồng bộ; đồng thời khẳng định sẵn sàng họp cùng các Bộ, ngành sau giờ hành chính để khơi thông những vướng mắc về thể chế.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các mặt công tác nhằm thực hiện Đề án 06 có hiệu quả hơn nữa. Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn về pháp lý trong thực hiện Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Nhân dân trong giao dịch hành chính.
Tổ công tác rà soát lại các công việc, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính hoàn tất những nội dung liên quan đến hướng dẫn về tài chính. Bộ Tư pháp thúc đẩy hành lang pháp lý thông thoáng; thẩm tra, rút gọn những trình tự thủ tục để sớm ban hành những quy định phục vụ cho Đề án 06…
Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong năm 2024 được coi là năm tiền đề quan trọng, tạo đà hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2022 - 2025, các Bộ, ngành, thành viên Tổ công tác và UBND các địa phương cần khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai trong năm 2024.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2024; hoàn thành trong tháng 2/2024 để các Bộ, ngành xây dựng quy trình điện tử, bảo đảm tính pháp lý để thực hiện.
Văn phòng Chính phủ bám sát vào lộ trình đã đề ra để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đánh giá bảo đảm an ninh an toàn hệ thống của các Bộ, ngành. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, số hóa, đẩy mạnh dịch vụ công trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, xã hội…