Triển khai công tác ngoại giao kinh tế, tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, bước vào năm mới 2023, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm “Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

• Phục vụ công cuộc phát triển đất nước luôn là nhiệm vụ của ngành ngoại giao. Xin Thứ trưởng cho biết công tác ngoại giao phục vụ phát triển năm nay có điểm gì khác biệt so với trước đây? Ngoại giao kinh tế đã được đẩy mạnh ra sao để thích ứng với tình hình mới?

- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong năm 2022, ngành ngoại giao đã thể hiện sự chủ động, nhạy bén trong việc nhanh chóng chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển đất nước. Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế đã được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Trước hết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao đã tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, tạo xung lực mới để các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả hơn công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Thứ hai, ngành ngoại giao cùng với các ngành tiếp tục đóng góp vào nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp.

Trong gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2022, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều chỉ đạo sát sao và trực tiếp thúc đẩy tối đa các nội dung kinh tế. Các chuyến công tác nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng như các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước đều đạt những kết quả, thỏa thuận cụ thể, thiết thực về kinh tế. Công tác đối ngoại đã bám sát phương châm tranh thủ mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Thứ ba, ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp nhằm đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực mới cho phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, đầu tư những ngành công nghệ cao…

Điển hình là việc Nhóm G7, châu Âu và Việt Nam đã có tuyên bố chính trị về quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), huy động nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; Tập đoàn Lego đã khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội.

Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để nước ta kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.

Thứ tư, triển khai chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tháng 9/2022, ngành ngoại giao và hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, tìm kiếm mọi cơ hội, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài, nhất là mở rộng các thị trường tiềm năng, khai thông các thị trường mới.

Trong năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 50 đoàn làm việc với 25 địa phương, tổ chức khoảng 70 hoạt động kết nối giữa các địa phương với đối tác, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Thứ năm, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát huy sự chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều báo cáo có chất lượng về tình hình kinh tế thế giới và các vấn đề đang nổi lên có tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách phù hợp của Việt Nam.

Có thể khẳng định, tiếp nối tinh thần quyết liệt của “chiến dịch” ngoại giao vaccine trong năm 2021, đến năm 2022, trên cơ sở thích ứng linh hoạt, nhạy bén, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành triển khai công tác ngoại giao kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, với trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực sự phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

• Bên cạnh việc phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, việc đẩy mạnh xu thế hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số cũng chính là yếu tố để Việt Nam thu hút tốt hơn sự quan tâm của các đối tác, từ đó tăng cường sự hợp tác giữa hai bên phải không, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển có cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 năm 2021, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính chúng ta, song mặt khác cũng mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế vì đây đang là những vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương, các đối tác phát triển đều ưu tiên cao và dành nhiều nguồn lực thúc đẩy nỗ lực của cộng đồng quốc tế thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nắm bắt xu thế đó, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đã tập trung thúc đẩy hợp tác với các đối tác cả song phương và đa phương nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ thực hiện các chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Nội hàm về hợp tác kinh tế số cũng được đề cao trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, tập trung vào thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị… Nhiều đối tác quốc tế như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về kỹ năng số, thành lập trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 và những sáng kiến khác.

Chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế số cũng làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh bền vững. Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego khẳng định một trong những lý do chọn Việt Nam để đầu tư là việc Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt là sau khi được trực tiếp gặp Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.

Có thể khẳng định, kinh tế xanh, kinh tế số là những lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để Việt Nam hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực này, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nước, trên cơ sở bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

• Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện trong thúc đẩy triển khai các FTA và thu hút đầu tư trong năm qua?

- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tận dụng tốt mạng lưới FTA và thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hai trong ba động lực quan trọng cho tăng trưởng là thương mại và đầu tư.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã thực hiện tập trung ưu tiên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng mạng lưới các FTA để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ngành ngoại giao đã tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại của ta với các đối tác, nhất là các đối tác FTA, vận động các đối tác gỡ bỏ rào cản thương mại đối với các hàng hóa Việt Nam; kịp thời thông tin về tình hình, điều chỉnh chính sách của các đối tác, phát hiện các cơ hội để mở rộng xuất khẩu; phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tận dụng công nghệ số để bảo đảm hiệu quả cao nhất; kịp thời cảnh báo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia các hoạt động giao thương quốc tế; tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành đàm phán, nâng cấp các FTA hiện nay, nghiên cứu, đàm phán các FTA với đối tác mới để tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng.

Về thu hút đầu tư, Bộ Ngoại giao đã đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan đẩy mạnh vận động, thu hút đầu tư chất lượng cao, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đẩy mạnh trao đổi, hợp tác với các Quỹ đầu tư, nghiên cứu các xu hướng đầu tư quốc tế… Các hoạt động thu hút đầu tư được triển khai đồng bộ, đặc biệt trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, nhằm tranh thủ tối đa xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

Kết quả đạt được như việc kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới, vượt 700 tỷ USD, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng khá cao so với năm 2021 trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hết sức khó khăn là rất tích cực, thể hiện phần đóng góp của ngành ngoại giao.

• Thứ trưởng có thể chia sẻ về nhưng điểm mới của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Thành công từ ngoại giao vaccine đã mang lại cho chúng ta các bài học kinh nghiệm nào để áp dụng trong bối cảnh mới?

- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư là định hướng quan trọng cho công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước. Lần đầu tiên, ngoại giao kinh tế được xác định là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam; một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài. Điều này khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.

Để triển khai Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hai Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tháng 9/2022 và Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine và bài học kinh nghiệm ddể thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới tháng 11/2022. Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao rút ra năm bài học quan trọng nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, kiên định và nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính sách là then chốt, phải nắm chắc tình hình để xác định các giải pháp phù hợp và quyết liệt, sáng tạo, kịp thời trong triển khai.

Thứ ba, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, luôn đổi mới phương pháp, cách làm phù hợp với tình hình mới, tất cả vì mục tiêu phục vụ đất nước và nhân dân.

Thứ tư, sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan đại diện ngoại giao cũng như tinh thần, trách nhiệm của từng cán bộ là hết sức quan trọng.

Thứ năm, cần huy động sự đoàn kết thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu chung.

Kế thừa và áp dụng các bài học quý báu đó, bước vào năm mới 2023, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm “Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.