Tham dự hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, tư duy đúng, hành động quyết liệt, đột phá đã được các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cụ thể hóa bằng những cách làm bài bản, khoa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, những “điểm nghẽn” cho sự phát triển của tỉnh.
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng Khoa CNXH khoa học (Học viện Chính trị Khu vực IV), cho rằng: Ở Quảng Ninh, tư duy đột phá thể hiện năng lực lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, có tinh thần 6 dám, nhất là dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng ta được đưa ra ở Đại hội XIII trong bối cảnh tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm đang diễn ra phổ biến.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó TBT Tạp chí Cộng sản, từ tư duy đúng về mục đích lãnh đạo đã hình thành, nuôi dưỡng khát vọng phát triển và hành động quyết liệt vì sự phát triển của tỉnh trong mối tương quan với cả nước. Nhờ tư duy đúng về mục đích lãnh đạo, nên nhìn tổng thể, cấp ủy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo qua các nhiệm kỳ trong thời kỳ đổi mới ở tỉnh Quảng Ninh đã hình thành, nuôi dưỡng được khát vọng phát triển.
GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tham luận tại hội thảo. |
Nhiều đại biểu cho rằng: Nhờ tư duy đổi mới, tỉnh Quảng Ninh xác định được đột phá chiến lược và thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ việc xác định đúng trọng tâm, trọng điểm về giải pháp phát triển cũng như thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị của tỉnh Quảng Ninh đã được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, cho rằng: Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Quảng Ninh huy động tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông đạt trên 36.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia vào các dự án khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.
Như vậy, với một đồng ngân sách bỏ ra làm “vốn mồi”, Quảng Ninh đã huy động được 8 - 9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh phát triển năng động, được Bộ GTVT đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển nhanh nhất cả nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng khẳng định, không chỉ có đột phá, táo bạo về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh còn đột phá mạnh mẽ trên nhiều ngành, lĩnh vực khác của đời sống xã hội, như: Bảo vệ môi trường; ứng dụng KHCN; chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp sạch; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn tiên tiến; phát triển văn hóa.
PGS.TS Vũ Văn Hà, Ban Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, phát biểu tại hội thảo. |
PGS.TS Vũ Văn Hà, Ban Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định: Quảng Ninh còn là tỉnh đi trước một bước so với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển văn hóa. Văn hóa ở Quảng Ninh đã trở thành nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề cập tới việc Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch, thời gian tới, tỉnh cần ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh. Qua đó, tập trung triển khai dự án chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch của tỉnh, mục tiêu hình thành trục liên thông kết nối thông tin quản lý từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch.
Những bài tham luận, chia sẻ của đại biểu tại hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương, mà còn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung cho toàn Đảng và đất nước trong tiến trình đổi mới. Những đánh giá và bài học kinh nghiệm rút ra từ việc khẳng định vai trò của tư duy và hành động đột phá của Quảng Ninh, là cơ sở nhận diện, gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động đột phá mới, căn cứ đưa ra những giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Quảng Ninh.