Giấc mơ 4.0 nơi “cổng trời”
Đã từ lâu, in sâu vào trong tâm trí của nhiều người là hình ảnh các em nhỏ vùng cao, vùng xa trèo đèo, lội suối, băng rừng đến trường. Việc đi học đối với những em học sinh nơi đây để duy trì con chữ là cả một hành trình nhọc nhằn, khó khăn: đường xa, nguy hiểm, trường học tạm bợ, thiếu thốn đủ bề… Nhưng đó là chuyện của ngày trước…
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chăm lo của gia đình, cộng đồng, xã hội và sự tâm huyết, trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Các em học sinh vùng cao, vùng xa tại nhiều nơi đã có môi trường học tập tốt hơn.
Sống giữa thâm u đại ngàn, thầy cô và học sinh nơi đây không còn cần mơ về những con đường bằng phẳng đến trường, những ngôi trường khang trang, đẹp đẽ nữa. Giờ đây, họ đang nuôi một giấc mơ có phần tân tiến hơn là sóng điện thoại, internet về bản; là được học tập trong môi trường 4.0.
Đối với các em học sinh thành phố, việc tiếp cận với mô hình giáo dục 4.0 rất dễ dàng. Ngay từ nhỏ, các em đã được học trong môi trường 4.0 với sự trợ giúp của những món đồ công nghệ như máy tính, máy chiếu,… Thế nhưng, các em vùng cao, vùng xa lại khó có điều kiện được trải nghiệm những đặc quyền đó trong môi trường của mình.
Tầm quan trọng của giáo dục 4.0 càng được nhận thấy rõ trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Học sinh tại nhiều nơi không thể đến trường học tập trực tiếp do ảnh hưởng của dịch, mặc dù ngành Giáo dục đã kịp thời thích ứng và triển khai mô hình dạy và học trực tuyến khá bài bản. Thế nhưng, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh trên cả nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận mô hình giáo dục mới này, nhất là các em ở vùng cao, vùng xa.
Trong một thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, các tỉnh miền núi là những nơi tiếp cận internet còn không đồng đều, do đó khó kết nối với những nền tảng học tập trực tuyến. Trẻ em dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng xa cũng như trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo thường không có điều kiện tiếp cận tới các công nghệ như điện thoại di động, máy tính hay internet để có thể học trực tuyến.
Như em H (12 tuổi) người dân tộc Dao, Hà Giang chia sẻ: “Em không thể tiếp tục học bởi gia đình em ở vùng sâu, vùng xa, không có đủ phương tiện để hỗ trợ cho việc học như máy tính hay điện thoại giống như các bạn dưới miền xuôi”.
Tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, năm học này có hơn 36.000 học sinh ở 3 cấp học. Theo thống kê, có tới một nửa trong số này thiếu trang thiết bị cần thiết để học theo hình thức online. Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Huy Hạ, huyện Phú Yên, tỉnh Sơn La với hơn 1.000 học sinh hiện đang nằm trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên rất nhiều em gia đình không có máy tính và điện thoại.
Vì vậy, việc tổ chức dạy và học trực tuyến của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Cô Cầm Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với các em học sinh không có máy tính, điện thoại, nhà trường đã thực hiện giao bài tập cho các em thông qua trưởng bản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, hiệu quả không cao bởi không có sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê sơ bộ hiện có hơn 40.000 học sinh chưa có thiết bị dạy học trực tuyến và còn 2 huyện là Đình Lập và Tràng Định với 7 trường học chưa được phủ sóng internet.
Bà Nông Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Tiểu học II Xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, chia sẻ: “Hiện ở đây không có sóng điện thoại, nhiều lúc chúng tôi và phụ huynh không thể liên lạc được với nhau. Địa bàn dân cư thì thưa thớt, rất khó khăn trong công tác dạy và học. Các em đi học đa số toàn đi bộ vì phải vượt đồi, vượt đèo thường xuyên. Nếu mà được hỗ trợ trang thiết bị dạy học cũng như được phủ sóng điện thoại sẽ rất tốt cho học sinh và nhà trường, đặc biệt là tại những vùng khó khăn như ở đây. Các em đều rất mong chờ, háo hức đề được học tập và phát triển hơn nữa”.
Nhìn vào giấc mơ tiếp cận 4.0 của trẻ em vùng cao, vùng xa ta có thể thấy một khoảng cách lớn giữa học sinh miền núi với học sinh miền xuôi trong thời đại 4.0 này. Các em sẽ có thể bị tụt lại phía sau nếu không có những giải pháp để giảm khoảng cách trong thời đại số, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Chắp cánh “giấc mơ 4.0”
Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, nhiều địa phương chỉ đạo triển khai việc học trực tuyến qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Nhưng các trường ở vùng cao, vùng xa, miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì điều này không dễ thực hiện. Vì vậy cần lắm sự quan tâm, chia sẻ đến những học trò nghèo còn thiếu thốn máy móc, thiết bị để học hành, tiếp cận tri thức.
Nắm bắt được tình hình cấp thiết đó, sự xuất hiện kịp thời, nhanh chóng của chương trình “Sóng và máy tính cho em” như một ngôi sao hy vọng vào thời điểm này. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp được đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động tối 12/9/2021.
Phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. |
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình gồm 3 phần: Sóng internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp. Sóng và máy tính cho em cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số. Ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số.
Ngay tại Lễ phát động, các bộ ngành: TT-TT; GD-ĐT; Ngân hàng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, với trị giá hơn 2.500 tỷ đồng; đầu tư 3.000 tỷ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Và cho đến nay chương trình vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đóng góp từ các doanh nghiệp tổ chức, nhà hảo tâm trên khắp cả nước.
Khi được thông tin về chương trình, nhiều thầy trò vùng cao, vùng xa rất háo hức và vui mừng. Tại những nơi đặc thù là huyện miền núi khó khăn, lại đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động chắc chắn sẽ hỗ trợ ngành giáo dục địa phương rất nhiều, nhất là giúp những học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập bình đẳng như các bạn ở các vùng miền khác.
Hiện Phòng GD-ĐT các huyện vùng cao, vùng xa đang tích cực xây dựng các phương án dạy học đảm bảo hiệu quả khi các em học sinh được nhận trang thiết bị học online. Đồng thời phối hợp với VNPT kiểm tra, xác định các điểm sóng tại các trường học trên địa bàn để triển khai hạ tầng, ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; mở rộng và tăng băng thông internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Với sự nỗ lực của Chính phủ cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp tổ chức, nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh tới việc học tập của học sinh vùng cao, vùng xa; cũng như chắp cánh giấc mơ tiếp cận giáo dục 4.0 cho trẻ em nơi đây.
Giáo dục 4.0 được coi là một trong những thuật ngữ quen thuộc một vài năm trở lại đây. Với sự phát triển của nền công nghệ hiện đại, giáo dục cũng phải có bước chuyển mình để có thể phù hợp với xu hướng. Giáo dục 4.0 được biết đến là một mô hình giáo dục thông minh có thể áp dụng ở tất cả các môn học cho mọi lứa tuổi. Giờ đây không còn những kiến thức lý thuyết khô khan theo một mô tuýp nữa, với sự cộng hưởng của công nghệ, hệ thống kiến thức đã trở nên sinh động, phong phú và dễ hiểu hơn trước.