1. Bé con mọc răng khi nào
Khi bạn thấy bé thường hay bức rứt khó chịu, hay quấy khóc và ngủ ít đi thì là bé đang mọc răng đó. Thông thường trẻ sẽ bắt đầu mọc cái răng đầu tiên khi được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa mỗi bé mà việc mọc răng thường đến sớm hoặc đến muộn. Do đó, nếu bé đã được 1 tuổi mà chưa mọc răng thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé.
Khi mọc răng, trẻ có dấu hiệu tiết nhiều nước bọt. Sức đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm. Do việc mọc răng lấy đi nhiều năng lượng nên trẻ dễ bị bệnh cũng như hệ tiêu hóa kém. Triệu chứng dễ thấy nhất là trẻ bị sốt nhẹ, đôi khi phân bị lỏng.
Răng mọc lên sẽ gây ngứa nướu và khó chịu nên khiến trẻ hay cho ngón tay vào miệng hay gặm thứ gì đó. Mọc răng còn có thể gây ra nhiễm trùng vùng miệng do răng nhú ra khỏi nướu. Bé con ăn uống kém và có thể bị tụt cân.
Do đó, nếu thấy những dấu hiệu trên xuất hiện ở trẻ thì các mẹ có thể biết là trẻ đang bị sốt mọc răng và cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ thường xuyên vào những lúc này.
2. Thời gian sốt mọc răng trong bao lâu
Theo lẽ thông thường, quá trình sốt mọc răng sẽ diễn ra trong khoảng 2-3 ngày đến khi răng nhú ra khỏi nướu rồi giảm dần đến khi mất hẳn. Đôi khi cũng có thể lâu hơn thế, trong thời gian này bé có dấu hiệu sốt, bỏ ăn thậm chí tiêu chảy và sụt cận.
3. Mẹ làm gì khi trẻ mọc răng
Dẫu biết việc mọc răng là yếu tố bình thường của mọi đứa trẻ, song mẹ cũng có thể đồng hành cùng bé con vượt qua thử thách này. Khi thấy bé hơi sốt, mẹ nên theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể của bé. Nếu nhiệt kế chỉ số 38 là sốt vừa, nếu nhiệt độ tăng cao hơn là sốt cao bất thường, mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám vì nếu ở 39 độ, bé có thể bị co giật toàn thân. Mẹ có thể cho bé uống Paracetamol để hạ sốt, liều lượng chỉ định cho trẻ nhỏ 10-15mg cho 1 kg cân nặng. Nếu bé chỉ hơi sốt nhẹ thì không cần cho uống thuốc.
Mẹ có thể thường xuyên lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm, cho bé bú đều hoặc vắt sữa cho bé ăn bằng thìa trong ngày. Để tránh bị mất nước, mẹ nên cho bé uống thêm nước lọc hoặc pha sữa loãng hơn, nếu bé không chịu uống nước, mẹ có thể dùng khăn sạch chấm nước lên môi và miệng bé.
4. Mẹ cần lưu ý gì khi trẻ sốt mọc răng
Nếu đi ra phân nhiều nước, đi nhiều lần, tiêu chảy thì nên đưa bé đi Bác sĩ.
Nếu tình trạng khó chịu, quấy khóc sốt của bé kéo dài hơn 3-4 ngày có nguy cơ làm sụt cân thì nên đưa đi khám Bác sĩ.
Để tránh nhiễm trùng vùng miệng khi mọc răng, mẹ nên thường xuyên giữ vệ sinh miệng cho bé. Lau sạch nước bọt trong miệng bằng vải mềm, massage nướu bằng gạc thấm nước sạch.
5. Mẹo hay cho mẹ khi bé sốt mọc răng
Cho bé tắm nước ấm: Mẹ pha nước ấm rồi cho bé ngâm mình trong bồn, nhẹ nhàng massage cho con và cho con chơi với đồ chơi để bé con được thư giãn và quên đi phần nào sự khó chịu của cái răng đang mọc.
Cho bé ngậm núm giả ngâm lạnh: Để phần nào giảm bớt sự khó chịu nơi chiếc răng đang mọc mẹ có thể bỏ núm giả vào tủ lạnh trước khi cho bé ngậm. Trên thị trường cũng có một số loại đồ chơi dành riêng cho bé khi mọc răng, mẹ cũng có thể làm lạnh các món đồ chơi này như một liều thuốc tê cho chiếc nướu của con. Có những loại đồ chơi không làm lạnh được, mẹ cũng nên kiểm tra trước nhé.
Cho bé gặm khăn lạnh: Một chiếc khăn lạnh ướp trong tủ lạnh cũng là một mẹo hay để mẹ chườm vào chỗ nướu đang mọc răng cho bé, hoặc để bé thoải mái gặm giải tỏa sự khó chịu từ người bạn răng mới kia.
Một loại kem chuối, hay trái cây mềm ướp lạnh thơm thơm ngon ngon cũng là một gợi ý thú vị cho bé con thoải mái gặm trong thích thú để quên đi sự khó chịu./.