Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước khi vào viện, bé gái H.T đã ăn nhầm 7/14 viên thuốc giảm cân được chị gái mua ở trên mạng về sử dụng chưa kịp uống.
Chỉ khi trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, gia đình mới phát hiện và cho trẻ vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành sử dụng các biện pháp để hạn chế hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.
Loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ đều không rõ ràng, đang được bán trôi nổi trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Cùng thời gian này, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Chống độc cũng đã tiếp nhận điều trị kịp thời cho một bệnh nhi (13 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc do trẻ tự đặt mua trên trang thương mại điện tử, sau uống trẻ xuất hiện nôn nhiều, chóng mặt, gia đình mới phát hiện và đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân. Sau khi khai thác bệnh sử kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetat. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, chống suy hô hấp, cắt cơn giật, bồi phụ nước điện giải. Sau 20 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện, tuy nhiên trẻ vẫn cần được theo dõi và chăm sóc sau khi ra viện.
Loại thuốc diệt chuột mà bệnh nhi mua trên trang thương mại điện tử. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan,… dẫn đến tử vong.
“Dù là thuốc cần được kiểm soát, nhưng hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Người có nhu cầu, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm với đủ các mức giá, xuất xứ khác nhau và có thể mua đơn giản vì không kiểm định đối tượng mua hàng, không kiểm soát đối tượng bán hàng… Điều đáng chú ý ở đây, Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã được cấm lưu hành nhiều năm nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay. Việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc có thể vô ý, tự tử hoặc đầu độc”, bác sĩ Hùng cho hay.
Uống nhầm thuốc, hoá chất không phải là trường hợp hiếm gặp, bởi trẻ nhỏ thường tò mò và hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm thường tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn,… Ngoài ra, Bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử,… điều này dẫn đến các tổn thương nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng.