Trào lưu “không chồng con” của phụ nữ Hàn Quốc

Áp lực công việc và gánh nặng tài chính khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn lối sống không chồng con (Ảnh minh họa)
Áp lực công việc và gánh nặng tài chính khiến nhiều bạn trẻ lựa chọn lối sống không chồng con (Ảnh minh họa)
(PLO) - Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn không lấy chồng, không sinh con, thậm chí không yêu đương. Nhiều chuyên gia cho rằng với tình trạng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới như hiện nay, dân số quốc gia Đông Á này sẽ bắt đầu sụt giảm nếu tình hình không thay đổi.

"Tôi không có dự định sinh con, không bao giờ", Jan Yun-hwa, 24 tuổi, khẳng định. "Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau khi sinh nở. Tôi cũng không muốn con cái ảnh hưởng tới sự nghiệp".

Giống như nhiều thanh niên trong thị trường việc làm siêu cạnh tranh ở Hàn Quốc, Yun-hwa, nghệ sĩ vẽ truyện trên Internet, phải làm việc chăm chỉ để trả tiền mua nhà và không muốn những cố gắng này bị lãng phí. "Thay vì lập gia đình, tôi muốn sống độc lập và đạt được ước mơ", cô gái trẻ nói.

Nền văn hóa làm việc cật lực trong nhiều giờ và cống hiến cả đời cho một công việc đã tạo ra sự biến đổi phi thường của Hàn Quốc trong 50 năm qua, biến nó thành một quốc gia đang phát triển thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng Yun-hwa cho rằng vai trò của phụ nữ trong quá trình biến đổi này thường bị bỏ qua.

"Kinh tế Hàn Quốc thành công phụ thuộc nhiều vào những công nhân nhà máy bị trả lương thấp, chủ yếu là nữ", cô nhận xét. "Nó cũng phụ thuộc vào việc phụ nữ ở nhà chăm lo cho gia đình, trong khi đàn ông ra ngoài và chỉ tập trung làm việc".

Hiện nay có ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc làm những công việc trước đây chỉ dành cho đàn ông, như trong ngành quản lý và đào tạo. Nhưng bất chấp những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, thái độ của xã hội Hàn Quốc về giới tính vẫn thay đổi rất chậm chạp.

"Ở đất nước này, phụ nữ được kỳ vọng là những người đứng sau cổ vũ cho đàn ông", Yun-hwa nói. Ngoài ra, cô cũng nhận thấy xu hướng phụ nữ thường phải đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình sau khi kết hôn, dù vẫn phải đi làm.

"Có rất nhiều trường hợp ngay cả phụ nữ đang đi làm, một khi kết hôn và có con, họ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Ngoài ra, họ cũng phải chăm sóc bố mẹ chồng khi ốm đau", Yun-hwa bày tỏ.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình mỗi ngày đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút làm việc nhà, trong khi phụ nữ dành thời gian gấp 5 lần.

"Tính tôi không hợp với vai trò chăm sóc gia đình. Chỉ sống cuộc đời của riêng tôi đã quá bận rộn rồi", Yun-hwa kết luận. Cô không chỉ thờ ơ với hôn nhân, thậm chí còn không muốn yêu đương, bởi nguy cơ bị người yêu tung cảnh nóng để trả thù đang là "vấn nạn lớn" tại Hàn Quốc. Yun-hwa cũng lo ngại về bạo hành gia đình.

Năm ngoái, Viện Tội phạm Hàn Quốc công bố kết quả khảo sát cho thấy 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng có hành vi bạo hành với người yêu/bạn đời. Khi được hỏi về cách nhìn của đàn ông với phụ nữ ở Hàn Quốc, Yun-hwa mô tả bằng hai từ "nô lệ".

Điều này được chứng minh qua tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc. Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, khi chỉ có 5,5/1.000 người kết hôn, so với 9,2/1.000 người năm 1970. Ngoài ra, số trẻ ngoài giá thú sinh ra cũng rất thấp.

Chỉ Singapore, Hong Kong và Moldova có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Những quốc gia và vùng lãnh thổ này có tỷ lệ sinh là 1,2, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới chuyện lập gia đình là sinh hoạt phí. Tuy Hàn Quốc thực hiện chính sách giáo dục miễn phí, sự cạnh tranh ở trường học rất cao, đòi hỏi bố mẹ phải làm việc nhiều hơn cho con cái có tiền đi học thêm để theo kịp các bạn.

Tất cả những yếu tố này tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. "Sampo" nghĩa là từ bỏ ba điều: yêu đương, hôn nhân và con cái. Nhưng Yun-hwa cho rằng mình không từ bỏ ba điều này, bởi cô không lựa chọn theo đuổi chúng. Cô cũng không nói có dự định sống độc thân, hay theo đuổi mối quan hệ yêu đương với phụ nữ.

Đối với thế hệ cũ ở Hàn Quốc, những người như Yun-hwa quá ích kỷ và yêu bản thân. Tuy nhiên Yun-hwa và một số người cùng thế hệ lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa cho rằng “cần thiết để xóa bỏ nền văn hóa nam giới thống trị”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.