Video clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Vh-UBK (Ảnh chụp màn hình tối 15/12/2014). |
Từ video clip quảng cáo này có thể thấy, Vietway cố gắng quảng bá sản phẩm dưới hình thức lời cảm ơn của người bệnh. Tuy nhiên, ở đây, tất cả người bệnh đều khẳng định đây là thuốc có tác dụng điều trị nhiều bệnh về đường tiêu hoá, giúp tăng cân, trị u xơ tử cung, viêm nhiễm phụ khoa hay thậm chí là … gia tăng tuổi thọ (!?) mà không phải “thực phẩm chức nắng”. Đồng thời, đơn vị sản xuất thuốc lại là “Viện Hóa học Việt Nam” và các “nhà phát mình” là Giáo sư, Tiến sỹ ?!
Vietway gỡ bỏ video clip quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Vh-UBK (Ảnh chụp màn hình ngày 18/12/2014). |
Như Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, trong video quảng cáo, Vietway dẫn lời ông Giáp Văn Chương (Xương Giang, Bắc Giang): “Tất nhiên là bệnh tật con người không thể tránh khỏi, nhưng phải nói rằng, tôi xin cám ơn các Giáo sư, Tiến sỹ Viện Hóa học Việt Nam đã sản xuất ra được những loại thuốc này (Vh-UBK - PV). Để những người như chúng tôi dùng thuốc này tăng thêm được tuổi thọ”.
Không dừng lại ở đó, người thực hiện video còn phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thoa (Bắc Giang). Bà Hoa nói: “Cách đây khoảng 4, 5 năm, tôi có kiểm tra sức khỏe, phát hiện có nhân sơ tử cung. Khi đó, tôi rất hoang mang, lo lắng, có tìm nhiều thứ thuốc để uống nhưng đều không đỡ. Gần đây, kính thước u sơ đã bé lại, đồng thời không có dấu hiệu viêm nhiễm. Tôi thấy thuốc này của Viện hóa là rất tốt”.
Theo ông Phạm Hồng Thi (Bắc Ninh) nói trong video: “Tôi bị bệnh dạ dày đã 25 năm, đã uống rất nhiều thuốc và thực phẩm chức năng. Một buổi vô tình đến chơi nhà anh bạn, gặp một người tên Minh tự giới thiệu là làm tại đơn vị truyền thông một thuốc mới của Việt Nam. Ban đầu, tôi nửa tin nửa không. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định dùng thử, thăm dò xem có đúng không. Tôi lấy 1 liều và uống đến ngày thứ 5 thì tôi tăng cường theo lời dặn của anh Minh. Tôi thấy có sự chuyển biến thật. Sang đến ngày thứ 10 thì tôi khẳng định là thuốc tốt?!”
Theo Điều 3, Thông tư số: 08/2013/TT-BYT:
Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm
1. Quảng cáo thực phẩm khi ch¬ưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.
3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.
5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc./.