Vấn đề trên được đề cập tại Hội thảo “Đánh giá tác động của TPP đối với hệ thống pháp luật thuế và dịch vụ tài chính ở Việt Nam” do Trường ĐH Luật tổ chức sáng qua, 7/10.
Cơ hội hay thách thức?
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, bấy lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN), các cơ quan nhà nước vẫn có xu hướng nhìn nhận cơ hội và thách thức một cách riêng biệt mà không đặt chúng trong một chính thể, chưa lý giải được đến tận nguồn cội những thách thức và cơ hội này.
“Cần phải xem xét các thách thức và cơ hội trong cả các tác động lợi trừ và tác động thúc đẩy, từ đó xác định được xu hướng chủ đạo của thách thức hoặc cơ hội. Ví dụ, phải phân tích được vì sau việc giảm các thuế suất theo cam kết TPP làm suy giảm ngân sách thu và hiện tượng này có phải chủ đạo không và có yếu tố nào có thể bù đắp không?”, Viện trưởng IALE đề nghị. Ông cũng lưu ý, những phân tích về cơ hội, thách thức phải xuất phát từ những nguyên tắc, quy định trực tiếp nhất đối với thể chế thuế.
Về cơ hội, cơ hội lớn nhất TPP mang lại cho thể chế thuế chính là việc DN Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích khi được xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ vào 11 quốc gia thành viên với thuế suất rất thấp hoặc bằng 0. Song cơ hội thứ hai, quan trọng hơn là các DN Việt Nam trong tương lai sẽ được tiếp cận hệ thống chính sách, pháp luật về thuế minh bạch, ổn định và có thể tiên liệu được trong dài hạn.
Về thách thức, chỉ riêng về thuế nhập khẩu, Việt Nam sẽ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong TPP. Trong đó 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi TPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi TPP có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi TPP có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Nộp thuế cũng phải… hối lộ (!?)
Kể lại câu chuyện phải phong bì 300 nghìn đồng mới nộp được lệ phí trước bạ sau khi phải đi lại năm bảy lần cách đây mấy năm, Viện trưởng IALE thốt lên: “Không nước nào đi nộp thuế cũng phải hối lộ”.
Ghi nhận đã những đổi thay của ngành thuế - hải quan trong thời gian gần đây, song GS.TS Lê Hồng Hạnh vẫn cho rằng còn quá nhiều việc phải làm để đảm bảo thực thi cam kết, trong đó nổi cộm nhất là sự phức tạp và khó tiên lượng của chính sách và pháp luật thuế.
“Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói Việt Nam có hệ thống pháp luật phức tạp nhất thế giới. Nếu điều đó là đúng như vậy thì trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về thuế phức tạp nhất. Việt Nam có số lượng khổng lồ các văn bản pháp luật về thuế…”, Viện trưởng IALE quả quyết.
Không những “khủng” về số lượng, pháp luật thuế thường xuyên thay đổi do những thông tư được Bộ Tài chính ban hành. Nội dung các thông tư này thường liên quan đến quy trình quản lý thuế, cơ chế thực thi các quy định về thuế. Quan trọng hơn, theo GS.TS Hạnh, các thông tư này được các cơ quan thuế chú trọng thực hiện hơn.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Minh Hằng, ĐH Luật Hà Nội cho rằng chính sách thiếu ổn định của các văn bản pháp luật về thuế đã làm cho chính sách thuế thiếu minh bạch và DN bị động khi có sự thay đổi. “Cứ mỗi kỳ học, chúng tôi lại phải cập nhật lại văn bản, rất vất vả!”, TS Hẳng than phiền. Theo bà, hệ thống pháp luật quy định đến nghị định, thông tư nên sự tiếp cận của người dân là không toàn diện.
Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia lo ngại hơn cả là thể chế về thuế vẫn đang có sức ì lớn vì các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật về thuế không muốn có sự thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Một phần là do duy trì sự ổn định trong quản lý, mặt khác sự thay đổi sẽ gây nên biến động kinh tế - xã hội theo chiều hướng tiên cực.
“Tôi tham gia hội thảo, được Ban tổ chức trả 500 nghìn đồng, khấu trừ tại nguồn 10%. Toàn bộ dữ liệu của người nộp thuế cơ quan thuế đều nắm được, sao không thông báo mà chờ hết 3 tháng mới thông báo chậm nộp để phạt?”, Viện trường IALE dẫn chứng. Theo ông, ngành thuế làm đúng quy trình nhưng xưa nay là “quy trình trong bóng tối”.
“Sự thay đổi từ bản thân nội tại và từ tác động bên ngoài. TPP là sự tự nguyện cam kết, không phải ép buộc. Chính rủi ro thể chế thúc đẩy chúng ta phải thay đổi. Do vậy tôi kỳ vọng và hy vọng sẽ có sự thay đổi, song thời gian mau hay lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất…”, GS.TS Lê Hồng Hạnh quả quyết.
Cần cơ cấu lại nguồn chi:
Vấn đề được TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội đặt ra tại Hội thảo là trong bối cảnh cắt giảm các dòng thuế theo cam kết hội nhập, có thể tăng thu từ các nguồn nào khác để bảo đảm cho nhu cầu chi?
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguồn thu có thể từ số lượng DN đang có xu hướng tăng lên và tác động tích cực của việc cắt giảm các dòng thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cơ cấu lại nguồn chi, khắc phục sự phân bổ ngân sách không hợp lý, xin cho như hiện nay.
“Có tỉnh nộp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách TƯ trong khi nhiều tỉnh thay vì không đóng góp gì cho ngân sách thì lại xây tượng đài, nhà văn hóa hàng nghìn tỷ đồng?”, GS.TS Lê Hồng Hạnh dẫn chứng. Ông cũng cho rằng cần phải tính toán lại “miếng bánh” ngân sách, bởi chi cho bộ máy đã 65%, thêm 25% chi cho đầu tư thì “ngân sách chẳng còn gì…”.