Tích cực thi hành nhiều vụ án lớn
Trong những năm gần đây, số vụ án tham nhũng bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, với giá trị tài sản tham nhũng, thất thoát ngày càng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế luôn là vấn đề được xã hội quan tâm.
Do đó công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát cho Nhà nước luôn được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy Đảng các cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo chấp hành viên, tổ chấp hành viên tập trung tổ chức thi hành án và hàng tháng đều có báo cáo Tổng cục THADS tiến độ tổ chức thi hành về tiền và tài sản theo quy định. Trong năm 2022, số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tại Thành phố là 35 vụ án: Đã thi hành xong hoàn toàn 01 vụ án - Vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, thực hiện giao và xử lý nhiều tài sản có giá trị lớn như số 15 Thi Sách (Quận 1), số 129 Pasteur (Quận 3).
Trong 02 tháng đầu năm công tác 2023 đã thực hiện giao 02 tài sản lớn tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 8-12 Lê Duẩn và hạch toán được giá trị gần 17.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện xử lý hơn 200 bất động sản, 185.918.437 cổ phần, cổ phiếu và vốn góp tại các công ty, các dự án thuộc vụ Trần Phương Bình (giai đoạn 2) và vụ Đinh Ngọc Hệ; tiếp tục theo dõi ủy thác xử lý 62 bất động sản, 5.491.000 cổ phần và vốn góp tại các công ty.
Tăng cường kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi tài sản, cụ thể:
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi là các vụ án lớn, đặc biệt lớn, số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhiều nhiều dẫn đến số lượng người phải thi hành án nhiều, số tài sản bị chiếm đoạt lớn, đặc biệt lớn, nhưng tài sản tuyên duy trì kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tài sản xác minh được trong giai đoạn thi hành án để đảm bảo thi hành án không nhiều, số tiền thu được sau khi cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục phát mãi tài sản, xử lý các tài khoản bị phong tỏa chiếm tỷ lệ không lớn so với nghĩa vụ phải thi hành, dẫn đến cơ quan thi hành án đã xử lý hết các tài sản của người phải thi hành án nhưng số tiền phải thu hồi còn nhiều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt chưa cao.
Mặt khác, quá trình cơ quan THADS trong nhiều trường hợp chưa xử lý được tài sản do gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến tính pháp lý của tài sản, diện tích, hiện trạng thực tế của tài sản tại thời điểm thi hành án sau khi cơ quan thi hành án xác minh trong một số trường hợp không giống diện tích được Cơ quan điều tra kê biên trong giai đoạn điều tra nên cơ quan THADS cần thêm thời gian xác minh tình trạng pháp lý, đo vẽ lại hiện trạng tài sản trước khi tiến hành kê biên tài sản theo quy định. Một số vụ việc, cơ quan THADS truy tìm, xác minh được tài sản thi hành án của đương sự, nhưng sau đó đương sự làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung, dẫn đến làm chậm tiến độ xử lý tài sản.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, trong năm 2023 Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung xử lý dứt điểm các tài sản đã được Tòa án kê biên để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, thực hiện quyết liệt công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án, nâng cao tỷ lệ thi hành về tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, có khó khăn, vướng mắc thì chủ động, tích cực phối hợp liên ngành công an, kiểm sát, tòa án, tài nguyên môi trường, tài chính,… để thống nhất phương án giải quyết, nếu tiếp tục khó khăn thì kịp thời báo cáo Tổng cục THADS để xin ý kiến chỉ đạo.
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là quá trình thẩm định giá, đấu giá tài sản phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc này.
Tăng cường kiểm tra hồ sơ thi hành các vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là kiểm tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án./.