Hội nghị được phổ biến đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình -Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế.
Luật Đất đai là Luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên, công tác quản lý quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững, việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Trải qua 09 lần sửa đổi, Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua vào ngày 18 tháng 01 năm 2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng. Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2024 cũng đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tháo gỡ “điểm nghẽn”; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; qua đó để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã truyền đạt những nội dung mới của Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, có nhiều điểm mới quan trọng như bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 01/01/2026; đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp Sổ đỏ; Đất không có giấy tờ trước ngày 01/7/2014 được cấp Sổ đỏ. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chuẩn bị được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất.
Mặt khác, tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm; đang thuê đất trả tiền 1 lần có thể chuyển sang trả hằng năm; cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở để làm nhà ở thương mại; tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp...
Khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập về tái định cư, khung giá đất, việc cấp sổ đỏ...cho người dân các địa phương |
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn tỉnh. Đã đề ra 3 nội dung thực hiện, gồm: xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đất đai. Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết và 01 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan, cũng như Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến lĩnh vực pháp luật đất đai nhằm góp phần để đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.
Để có thể triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, chất lượng, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến với nhân dân bằng các hình thức phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước pháp luật về đất đai ở địa phương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến với nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; các cơ quan chuyên môn và quản lý Nhà nước về đất đai tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu pháp luật về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác địa chính tại cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về đất đai.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Hy vọng rằng, kết quả của hội nghị sẽ góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai năm 2024 và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai; tổ chức thi hành có hiệu quả Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định đối với các văn bản của cấp Trung ương và địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024; đảm bảo hiểu đúng, áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024 trong thực tiễn.
Hội nghị cũng đã được nghe các tham luận về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công chứng liên quan đến hợp đồng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.