Chiều 13/5, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phổ biến giáo dục, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đã tổ chức “Toạ đàm trao đổi về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường” nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
Tham dự toạ đàm có đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng chí Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Hồng Nguyên chia sẻ: “Giáo dục pháp luật trong nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Thông qua công tác này, các em được trang bị những tri thức pháp luật, xây dựng, hình thành ở các em lối sống lao động và học tập theo pháp luật, với đầy đủ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người công dân”.
Buổi toạ đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường thu hút nhiều khách mời tham gia, trao đổi. |
Theo Phó Cục trưởng, với vốn kiến thức và ý thức pháp luật được trang bị, các em học sinh, sinh viên phải dần dần tự điều chỉnh hành vi của mình theo khuôn khổ của pháp luật một cách tự giác. Có thể nói rằng, việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là một yêu cầu khách quan nhằm chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời biết sống và làm việc theo pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, một xã hội có kỷ cương, nề nếp.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Thiên Phúc, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 5, TP Hồ Chí Minh đề xuất phương pháp dạy xây dựng tiểu phẩm và clip, giáo trình tài liệu có minh họa, giáo dục cha mẹ làm gương cho con... Bà Võ Thị Hậu, trường THPT Marie Curie đề xuất xây dựng dữ liệu số dùng chung cho việc tìm hiểu tài liệu giảng dạy.
Tại sự kiện, các giải pháp khác về việc nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới cũng được đề xuất và thảo luận.