Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng Chấp hành viên (CHV) toàn Thành phố Hồ Chí Minh là 309 người, trong đó có 02 CHV Cao cấp, 93 CHV Trung cấp và 214 CHV Sơ cấp. Hiện tại, các cơ quan THADS thành phố có tổng số việc và tiền phải thi hành án đứng đầu trong cả nước, số việc chiếm 11,66% và số tiền chiếm 37,05% so với toàn quốc. Như vậy, số lượng CHV tại cơ quan THADS thành phố hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu công việc. Tính đến thời điểm trước khi bùng phát dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh ( 31/3/2021), trung bình 01 CHV tại thành phố phải thi hành 230 việc với số tiền là 319 tỷ đồng trong 06 tháng, cao hơn 78 việc và 252 tỷ đồng so với mặt bằng chung toàn quốc, chưa kể các CHV làm công tác lãnh đạo, CHV có công việc chính là công tác văn phòng, tổ chức cán bộ,…sẽ không tổ chức thi hành án hoặc tổ chức thi hành một số bản án đơn giản để phù hợp với quy định chung.
Để giảm quá tải công việc, từ năm 2016, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định phân công công việc cho Chấp hành viên (CHV). Theo đó, Chi cục đã sử dụng số Bản án, Quyết định sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm, Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại làm căn cứ lấy số mặc định để phân công CHV tổ chức thi hành án. Trường hợp Ngân hàng, tổ chức tín dụng lựa chọn CHV tổ chức thi hành án thì phân công CHV được Ngân hàng, tổ chức tín dụng lựa chọn, không phân biệt CHV sơ cấp, CHV trung cấp, CHV cao cấp trong trường hợp này. Những trường hợp khác yêu cầu CHV tổ chức thi hành án do Cục trưởng xem xét, quyết định việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án.
Đối với trường hợp trong Bản án, Quyết định có liên quan đến quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà CHV đã tổ chức thi hành thì tiếp tục phân công CHV đó tổ chức thi hành Bản án, Quyết định có vụ việc đó. Trường hợp CHV không còn làm việc liên quan đơn vị hoặc chuyển Phòng nghiệp vụ khác thì phân công CHV mới theo quy trình. Đối với trường hợp trong cùng Bản án, Quyết định có liên quan đến nhiều Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phân công CHV theo số mặc định. Trường hợp nhận ủy thác thì phân công CHV tổ chức thi hành án theo nguyên tắc số mặc định, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản có liên quan đến việc thi hành án do CHV tại Cục đang thi hành thì phân công CHV đó tổ chức thi hành. Đối với việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp Tòa án có quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phân công CHV đã tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị thay đổi, bổ sung trước đó. Trường hợp Tòa án hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 132 Luật thi hành án dân sự thì giao quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho CHV đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó, nếu CHV không còn làm việc tại đơn vị thì giao cho Phòng nghiệp vụ xử lý. Trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản, phân công CHV Trung cấp hoặc CHV Sơ cấp mà có thời gian bổ nhiệm CHV Sơ cấp từ đủ 05 năm trở lên. Không áp dụng nguyên tắc số mặc định mà phân công lần lượt từng Chấp hành viên tổ chức thi hành án.
Như vậy, trên thực tế, các cơ quan THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp các tiêu chí trong việc phân công nhiệm vụ của CHV để đảm bảo sự công bằng, khách quan mà vẫn mang lại hiệu quả cao trong công việc. Việc phân công CHV tổ chức thi hành án là giai đoạn đầu, là cơ sở pháp lý quan trọng để CHV thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình tổ chức thi hành án. Sự kết hợp linh hoạt các tiêu chí phân công CHV đã góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao của CHV nói riêng và hệ thống các cơ quan Thi hành án nói chung.
Để việc phân công nhiệm vụ cho CHV đạt hiệu quả hơn nữa, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần kết hợp nhiều tiêu chí. Lấy tiêu chí phân công theo số mặc định làm gốc, Thủ trưởng đơn vị xem xét, điều chỉnh dựa trên các tiêu chí: phân công theo trình độ chuyên môn có cân nhắc các yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và phân công theo đặc thù của hồ sơ, từ đó cân đối tổng thụ lý việc và tiền phù hợp với các CHV; tạo sự công bằng, khách quan, tạo tâm lý thoải mái cho CHV trong việc tiếp nhận hồ sơ tổ chức thi hành án.
Ngoài ra, để các tiêu chí phân công nhiệm vụ được thực hiện triệt để và hiệu quả nhất, cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật, Cục THADS Thành phố cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của CHV được quy định tại Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp và các văn bản có liên quan, thực hiện pháp điển hóa để quy định thống nhất, bao quát, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, cần quy định Thư ký Thi hành án là công chức giúp việc cho CHV theo sự phân công của Thủ trưởng đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công nhiệm vụ CHV. Mặt khác, Cục THADS Thành phố kiến nghị Tổng Cục THADS bổ sung đầy đủ biên chế CHV cũng như các bộ phận khác hỗ trợ cho công tác THADS để giảm tải áp lực công việc./.