Xác định rõ phạm vi, thẩm quyền của các cơ quan
Cho biết các nước phương Tây hiện nay, cách giải quyết các tranh chấp không phải bằng biện pháp tư pháp là chính, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ví dụ, ở Anh, việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp phi tư pháp hiện chiếm từ 65-75%. Từ đó, đặt vấn đề tư pháp thế nào, pháp luật ra sao trong đời sống hiện nay, mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa lập pháp và lập quy như thế nào phải xác định rất rõ.
Trên cơ sở đó, GS. TS Phan Trung Lý khẳng định, lập pháp là quyền của Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền lập pháp, Nhân dân giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập pháp.
Có một nguyên tắc của lập pháp là lập pháp không ủy quyền, một nhà kinh điển đã nói lập pháp phải là ý chí của Nhân dân, lập pháp không được ủy quyền nhưng chúng ta hiện nay ủy quyền rất nhiều. Ông đề nghị không tiếp tục ủy quyền này nữa, đổi mới tư duy phải xác định rõ ràng thẩm quyền lập pháp đến đâu, phạm vi lập pháp đến đâu, lập pháp những vấn đề gì.
Tổng Bí thư đã nói lập pháp những vấn đề chung nhất thì về khoa học, GS. TS Phan Trung Lý đề nghị phải tính xem thẩm quyền lập pháp đến đâu, trong thẩm quyền lập pháp này, thẩm quyền nào thuộc Quốc hội, thẩm quyền nào thuộc Nhân dân; phạm vi của lập pháp đến đâu, có phải là quy định từ A đến Z không hay chỉ đến một mức độ nào đấy.
Nghĩa là chúng ta “canh đoạn”, đoạn nào lập pháp, đoạn nào lập quy và khi xác định rõ phạm vi lập pháp, phạm vi lập quy sẽ không dẫn đến tình trạng cứ phải Quốc hội ủy quyền thì Chính phủ mới làm. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền hành pháp phải có không gian của hành pháp và không gian hành pháp phải bao gồm từ xây dựng thể chế cho đến thực hiện.
“Ta không đi vào đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không xác định được thẩm quyền, phạm vi sẽ rất khó đổi mới” - GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh. Do vậy, Quốc hội không thể ủy quyền mãi được mà phải xác định phạm vi cho từng cơ quan để các cơ quan chủ động trong không gian của mình và chịu trách nhiệm về việc đó.
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế. Ảnh: Phương Mai |
GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, về xây dựng pháp luật, chúng ta đã, đang và sẽ phải chuyển dần từ tư duy làm luật kiểu liệt kê, sang phương pháp mới là loại trừ - có danh mục cấm rõ ràng và đưa ra khoảng tự do. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu phải ngồi lại với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng chuyển dần từ tư duy xây dựng pháp luật nhằm quản lý cho chặt sang tư duy xây dựng pháp luật cho đổi mới sáng tạo. Đây là vấn đề lớn nhưng qua thông điệp của Tổng Bí thư, có thể hiểu là đang “tắc” chủ yếu ở lĩnh vực pháp luật về quản lý hành chính.
Theo GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, có 2 văn bản luật càng hoàn thiện; xây dựng, ban hành càng nhanh càng tốt trong bối cảnh hiện nay. Đó là Luật của luật - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện có khoảng 15 nước có luật này) cần sớm được sửa đổi và nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức thi hành pháp luật - luật này vô cùng cần thiết đối với Việt Nam để làm rõ kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật.
TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Phương Mai |
TS Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đã cơ bản đồng bộ và điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống. Với đất nước phát triển năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng và trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cùng các quan hệ xã hội điển hình, pháp luật nước ta cũng luôn phải điều chỉnh để phục vụ nhu cầu quản lý, chủ động ứng phó với các biến đổi của thời đại. Vì vậy, theo bà Liên, để đổi mới tư duy cần tập trung nghiên cứu thêm một số vấn đề để bảo đảm pháp luật đồng bộ, chi tiết, có thể áp dụng được ngay.
Cũng theo TS Liên, chúng ta còn cần đổi mới tư duy trong quy trình xây dựng pháp luật. “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chỉ còn chương trình xây dựng luật hàng năm nhưng đầu nhiệm kỳ lại có định hướng xây dựng toàn khóa. Mặc dù đã có những mốc thời gian thực hiện song thực tế đã có tình trạng ‘dồn’ chương trình, như Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra sẽ xem xét tới 18 đạo luật”, bà Liên phản ánh và kiến nghị: “Cần cân đối tổng thể để chỉ những luật có chất lượng mới đưa vào chương trình. Cần đổi mới công nghệ làm luật, bắt đầu từ khâu chính sách, phải thống nhất cao về chính sách mới trình Quốc hội”.
Thời điểm chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng, thi hành pháp luật
Đối với Bộ, ngành Tư pháp, bám sát những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian gần đây, trong bài viết “Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, TS Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, đã rất chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong đó, theo Bộ trưởng, cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”. Công tác xây dựng pháp luật phải áp dụng cách tiếp cận thực tế và thực tiễn; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, giải đáp các vướng mắc của cuộc sống và tìm ra con đường phát triển từ thực tiễn; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bắt kịp xu thế thời đại.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ việc kiên quyết thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; thực hiện nghiêm yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật gắn với nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…
Người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Mới đây nhất, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật phải đảm bảo thể chế hóa, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, nhưng phải kiến tạo để phát triển; tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, một cách thuyết phục với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước; xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
“Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và phát huy sự đóng góp của các chủ thể này vào quá trình xây dựng pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, luật không quy định dài dòng, cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian; cùng với đó, kiểm soát quyền lực, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.
Cùng với tập trung xây dựng các luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Trong đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện phải được ban hành để có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh: “Không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết”, Thủ tướng chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.