Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục PBGDPL; UBND tỉnh Quảng Ngãi; Sở Tư pháp; đại diện các sở ban ngành, địa phương tỉnh; công chức làm công tác pháp chế tại một số sở, ngành; tư vấn viên pháp luật cùng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp (DN); Hội doanh nhân trẻ; các DN thuộc Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tại hội thảo, các đại biểu được lắng nghe các chuyên gia là Ths, giảng viên chính trường Đại họcLuật Hà Nội giới thiệu các chuyên đề như: những kiến thức cơ bản về pháp chế DN, tập trung vào một số vấn đề cần lưu ý về pháp luật DN – Góc nhìn kiểm soát rủi ro; những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến DN…
Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Tô Thị Thu Hà cho rằng, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế là đột phá của đột phá, động lực cho sự phát triển. Việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế theo hướng tạo hành lang pháp lý cho đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế là một trong những điều kiện kiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong bối cảnh mới.
Theo bà Hà, để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần thường xuyên rà soát, nhận diện và giải quyết những vấn đề pháp lý hỗ trợ, đồng hành cùng DN, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm và là lý do để tổ chức hội thảo này.
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật Tô Thị Thu Hà phát biểu tại hội thảo |
“Tôi hy vọng đây là chuyên đề thiết thực, hữu ích cho các đại biểu tham dự. Các đại biểu, DN hãy mạnh dạn trao đổi với giảng viên các vấn đề vướng mắc, khó khăn có liên quan đến nội dung bài giảng để hiểu rõ hơn, có những giải pháp cụ thể áp dụng cho DN mình. Ngoài ra, các đại biểu cũng có thể gửi ý kiến, đề xuất liên quan đến về hoàn thiện thể chế pháp luật về DN, nhất là nội dung liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55 về hỗ trợ pháp lý DN vừa và nhỏ. Ban tổ chức sẽ tổng hợp và phối hợp với các cơ quan chức năng để xem xét những vướng mắc của đại biểu nếu phù hợp và đảm bảo tính khả thi”, Bà Hà chia sẻ.
Tại hội nghị, Ths, giảng viên chính Hoàng Minh Chiến – Khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) cũng truyền đạt chuyên đề “Giới thiệu những kiến thức cơ bản về pháp chế DN, tập trung vào một số vấn đề cần lưu ý về pháp luật DN – Góc nhìn kiểm soát rủi ro”. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề nhận diện các loại hình DN; đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật của DN; kiểm soát giao dịch giá trị lớn, giao dịch dễ phát sinh tư lợi. Theo đó, tập trung đi sâu phân tích, giải đáp các quy định về chuyển đổi loại hình DN; quy định về góp vốn, rút vốn; thủ tục chấm dứt hoạt động DN...
Ths, giảng viên chính Hoàng Minh Chiến truyền đạt chuyên đề giới thiệu những kiến thức pháp chế DN, góc nhìn kiểm soát rủi ro. |
Ngoài ra, TS. Đỗ Xuân Trọng – Phó Trưởng Bộ môn Luật Đất đai (Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội) đã truyền đạt chuyên đề “Giới thiệu những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến DN”. Trong đó, tập trung giới thiệu tổng quan về luật đất đai năm 2024 với 6 quan điểm về việc xây dựng Luật Đất đai năm 2024.
Đáng chú ý, TS. Đỗ Xuân Trọng đã giới thiệu 10 điểm mới của Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể là về người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giá đất; thời hạn sử dụng đất; chế độ sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết tranh chấp đất đai.