Đây là thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM chia sẻ tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP, chiều 29/11.
Theo ông Phạm Đức Hải, trong thời gian qua có 4 vấn đề đặt ra đối với công tác chống dịch của TP HCM. Cụ thể là, số ca mắc mới còn cao, trên dưới 1.500 ca mỗi ngày; số ca tử vong vẫn cao, trung bình mỗi ngày khoảng 65 ca và số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Ba vấn đề trên cùng với biến chủng Omicron xuất hiện đã gây thêm tâm lý lo lắng cho người dân.
Tuy nhiên, TP HCM khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP HCM đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.
Hiện TP HCM vẫn đang chuẩn bị các kịch bản để ứng phó như xây dựng bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, củng cố hệ thống trạm y tế phường xã, tăng cường tiêm vaccine… Thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn 3 nhóm giải pháp. Cụ thể là phối hợp giữa y tế công và y tế tư, đông y và tây y, quân y và dân y.
Ông Phạm Đức Hải cho rằng, đến giờ này, chưa có tài liệu chính thức nào của WHO về biến chủng này, nên người dân không nên quá hoang mang. “Thành phố đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành Y tế, đặc biệt là 5K. Cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình; cố gắng đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà; giảm bớt ngồi với khoảng cách gần bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao, khiến nguy cơ tử vong cao”, ông Phạm Đức Hải kêu gọi.
Báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện thành phố có 319 trạm y tế và đã bổ sung 344 trạm y tế lưu động, nguồn nhân sự từ nguồn sắp xếp lại của quận huyện từ Trung tâm y tế, các bệnh viện địa phương và Sở Y tế cũng đã điều chuyển nhân sự từ các bệnh viện trong trường hợp cần thiết để tăng cường thêm tại các khu vực có nhiều F0 cần chăm sóc tại nhà. Để hỗ trợ thêm hệ thống y tế lưu động và các cơ sở y tế, Sở Y tế TP HCM đã tham mưu và trình UBND TP HCM đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân.
Về kế hoạch tiêm vaccine mũi 3, Sở đã có công văn gửi Bộ Y tế, tuy nhiên thời điểm hiện tại, cần tập trung tiêm hết cho nhóm chưa được tiêm mũi 2, cụ thể là nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.
Liên quan đến việc có hay không tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, số nhập viện ở tầng 2, 3 trên 11.000, trong khi số giường thành phố hiện có trên 51.000, thành phố đang cố gắng không để tình trạng quá tải xảy ra…
Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.
Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.