Để phù hợp với những nguyên tắc “bình thường mới”, những tour du lịch chậm được dự đoán sẽ trở thành xu hướng vào khoảng cuối năm 2021, kéo dài sang năm 2022.
Với du lịch chậm, du khách có thể tham gia sâu hơn vào những hoạt động cộng đồng tại địa phương. |
Hy vọng trở lại với du lịch ASEAN
Theo tờ Strait Times (Malaysia), du khách đã sẵn sàng quay trở lại với thị trường du lịch nội địa, nhu cầu này đang có chiều hướng tăng ở các nước Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Giám đốc điều hành Hãng hàng không AirAsia Malaysia – Riad Asmat còn lạc quan tin rằng, nhu cầu đi lại có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022. Do vậy, các công ty lữ hành bắt đầu xây dựng và thử nghiệm các tour du lịch mới để nắm bắt cơ hội này.
Giới chức các nước cũng đang điều chỉnh chính sách, lên kịch bản để sớm phục hồi du lịch vào cuối năm 2021. Đơn cử, Thái Lan cho biết sẽ mở cửa nhiều điểm du lịch nổi tiếng từ tháng 10/2021, bao gồm thủ đô Bangkok, Chiang Mai, bãi biển Pattaya, Cha-Am và Hua Hin, với điều kiện tuân thủ các quy định phòng dịch.
Theo đó, đảo Phuket đã trở thành địa phương đầu tiên đạt tỉ lệ tiêm phòng tại địa phương là 70% vào tháng 7 vừa qua. Do vậy, du khách quốc tế không phải cách ly và sau 14 ngày trên đảo Phuket với 3 lần xét nghiệm COVID-19 tự trả phí được tham quan khắp Thái Lan, với điều kiện đã được tiêm đầy đủ vắc xin và đến từ các nước có nguy cơ dịch tễ thấp hoặc trung bình.
Các nước Singapore, Indonesia, Philippines cũng đang tận dụng các cơ hội để nhanh khởi động hồi ngành du lịch trở lại. Trong đó, Tổng cục Du lịch Singapore đã phát động một chiến dịch kích cầu du lịch nội địa từ cuối năm ngoái.
Một trong những ưu đãi là mỗi công dân Singapore sẽ được tặng 100 đô la Singapore trong phiếu mua hàng Singapo Rediscover để chi tiêu tại các khách sạn, tour du lịch và các điểm tham quan. Đến nay, chính sách này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu đi lại của người dân.
Còn tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh Kiên Giang thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) từ nay đến cuối năm 2021. Các địa phương khác cũng khuyến khích du lịch tại chỗ tại những địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong khi đó, để du lịch hoạt động trở lại, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho hơn 18.000 lao động trong ngành này; tại TP HCM, huyện Cần Giờ cũng lên kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng 9.
Lên kế hoạch cho tour du lịch chậm là khám phá chiều sâu tại điểm đến. |
Sáng kiến “tour du lịch chậm Đông Nam Á”
Để chuẩn bị cho cơ hội lớn để phục hồi du lịch, nhiều công ty lữ hành tại Việt Nam đã và đang xây dựng, thử nghiệm những tour du lịch mới lạ phù hợp với tinh thần “sống chung với dịch” thời điểm hiện tại.
Nếu như trước đây, các công ty lữ hành muốn tận dụng nhiều nhất mọi điểm đến có thể trong nước, khám phá mỗi tỉnh, thành một vài điểm đến nổi bật thì hiện nay điều đó đã thay đổi. Khi tình hình dịch bệnh kéo dài, lệnh giãn cách xã hội ở mỗi địa phương có thể khác nhau, lộ trình liên tỉnh trở nên khó khăn, các tour đi sâu vào chi tiết tại một điểm đến lại đạt được tính an toàn và hiệu quả cao hơn.
Du lịch chậm, đúng như cái tên, có nghĩa là không vội vàng, dành nhiều thời gian trong chuyến đi của mình để khám phá chiều sâu của điểm đến và trải nghiệm. Hình thức du lịch này không thể nhầm lẫn với du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch cộng đồng mà có những đặc trưng riêng.
Đơn cử, chuỗi tour “du lịch chậm ở Đông Nam Á” của Công ty Easia Travel khám phá các hành trình chậm ở Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan theo hình thức SIC (Seat in coach) – một hành trình du lịch gần như phượt nhưng là phượt được tổ chức bởi một công ty lữ hành.
Với số chuyến khởi hành mỗi năm ít đi, tour được thiết kế dài ngày hơn, ít người hơn, tập trung hơn vào khám phá các điểm đến gần nhau, cùng các trải nghiệm thiên về cộng đồng, thiên nhiên bản địa.
Những trải nghiệm khuyến khích du khách giao lưu nhiều hơn với cộng đồng địa phương; ưu tiên các tuyến đường thay thế và lựa chọn các phương tiện giao thông ít xả thải các bon hơn – chẳng hạn tàu hoả ở Việt Nam hay tàu điện và tàu trên cao ở Bangkok; hạn chế chai nhựa một lần qua dự án Refill Not Landfill;…
Cụ thể, với quy mô nhóm nhỏ - tối đa 12 khách, mỗi tour kéo dài ít nhất 10 ngày, riêng tour du lịch chậm ở Việt Nam kéo dài đến 18 ngày. Tour du lịch chậm ở Campuchia (10 ngày) khám phá “thành phố của những ngôi đền” Siem Reap, biển hồ Tonle Sap và rừng núi Phnom Kulen.
Còn tour du lịch chậm tại Việt Nam (18 ngày) là hành trình từ Nam ra Bắc, dành 2 đêm ở hầu hết mọi điểm dừng và thực hiện những hoạt động “chậm” như thăm cộng đồng bản địa tại Đồng bằng sông Cửu Long hay thư giãn trong một quán trà chỉ thuê những người tàn tật ở Hội An.
Mặt khác, tour du lịch chậm ở Thái Lan (13 ngày) cũng bỏ qua những điểm du lịch phổ biến mà cho du khách trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương như gặp gỡ bộ tộc Akha, trải nghiệm một đêm trong nhà nghỉ truyền thống, di chuyển bằng tàu điện đến Bangkok và Amphawa trong ngày để hạn chế “dấu vết các bon”, đồng thời khám phá phong cảnh đất nước.
Hay trong tour du lịch chậm ở Lào (14 ngày), khách du lịch trải nghiệm sâu từng điểm dừng từ những cuộc gặp gỡ văn hóa, trải nghiệm địa phương và sự rời xa thế giới hiện đại.
Điểm đặc biệt của những tour du lịch chậm chính nằm ở yếu tố thời gian và con người. Đại dịch đã dạy cho con người bài học về sự bình tĩnh và sống chậm, chất lượng hơn số lượng. Thay vì nhanh chóng đến và đi chỉ để “biết” một điểm đến, việc giao tiếp nhiều hơn với cộng đồng, nghỉ ngơi và lắng nghe bản thân nhiều hơn, du khách không chỉ hiểu được cách sống và phong tục địa phương mà còn là cách giải toả tâm trí, khám phá bản thân một cách sâu sắc hơn.
Di chuyển bằng những phương tiện để lại ít dấu vết các bon nhất. |
Việt Nam – điểm đến hoàn hảo với du lịch chậm
Có thể khẳng định, du lịch chậm ngày nay không chỉ là hình thức du lịch dành riêng cho người cao tuổi mà người trẻ, các gia đình, tổ chức cũng đều trở thành những đối tượng du khách tiềm năng.
Theo Horizon Vietnam Travel, đất nước Việt Nam hoàn hảo với du lịch chậm trong đánh giá du khách nước ngoài. Tất nhiên, tạm không nhắc tới những điểm đến phổ biến và nổi tiếng, mà chỉ kể đến những chuyến đi đến các ngôi làng của các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc hay dọc theo lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các du khách “chậm” hiện nay đến một đất nước không còn “tham vọng” phải đi toàn bộ đất nước đó nữa mà quan trọng là được đặt chân lên một vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới. Điều quan trọng cũng không phải là nơi đến hay số lượng điểm đến mà là con đường đã đi và chất lượng trải nghiệm để có một chuyến đi đáng nhớ.
Nếu ai thích khám phá người dân địa phương thì có thể dành thời gian giao tiếp với họ; nếu ai thích nghỉ ngơi trên một bãi biển tuyệt vời thì có thể chỉ ở đó trong vài ngày. Du khách cũng có xu hướng tìm kiếm đến những đại lý du lịch tại địa phương để có một chuyến đi “vô lo, vô nghĩ” về phương tiện đi lại khi các quy định tại địa phương nơi đến có thể xa lạ với họ.
Quả thực, trong bối cảnh đại dịch, hầu hết mọi người đều học được cách kiên nhẫn, dù là trong cuộc sống hay trong mỗi chuyến đi. Không ai có thể hoàn toàn chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai là tích cực hay tiêu cực, vì vậy lựa chọn sống cho hiện tại chính là triết lý của những du khách “chậm”.
Nhiều người quan điểm sâu xa hơn, một hành trình chậm cũng là một “hành trình tìm kiếm tâm hồn thông qua thiền định” – một “liều thuốc tinh thần” cho con người sau nhiều biến cố và mất mát những năm qua.