Phân cấp 5 thủ tục hành chính cho hải quan địa phương
Theo đó, để đảm bảo đúng tiến độ phân cấp đối với 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết từ Tổng cục Hải quan về Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Thuế xuất nhập khẩu chủ trì triển khai phương án phân cấp đối với thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (mã thủ tục hành chính: 1.007781).
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Thuế xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Giám sát quản lý về hải quan sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC theo nội dung phân cấp và kiến nghị thực thi nêu tại mục 1 điểm c phụ lục 12 ban hành kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì triển khai phương án phân cấp đối với nhóm các thủ tục: Cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (mã thủ tục hành chính: 1.007651); gia hạn mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (mã thủ tục hành chính: 1.007652); cấp lại mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (mã thủ tục hành chính: 1.007653); thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (mã thủ tục hành chính: 1.007654).
Trong đó, giao Vụ Pháp chế chủ trì, Cục Giám sát quản lý về hải quan phối hợp để sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan theo nội dung phân cấp và kiến nghị thực thi nêu tại mục 2 điểm c phụ lục 12 ban hành kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg. Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2015/TT-BTC và Thông tư 22/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính theo nội dung phân cấp và kiến nghị thực thi nêu tại mục 2 điểm c phụ lục 12 ban hành kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể quy định tại Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo lộ trình phù hợp và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện (Nghị quyết 76/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020). Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, các đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn và đăng ký chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm theo quy định.
Quyết liệt, đồng bộ trong cải cách hành chính
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói chung luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và Tổng cục Hải quan luôn quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ. Song song với công tác xây dựng thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ứng dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, điều phối trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành..., cơ quan Hải quan cũng đã kịp thời ứng phó với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Để tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, Tổng cục Hải quan tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan. Cơ quan Hải quan cũng đã làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển khẩu trang y tế, vật tư y tế, vũ khí và đạn dược trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới.
Không những thế, Tổng cục Hải quan tập trung phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, nghi vấn, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container… Qua đó, đã phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu là hàng cấm; xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số, thuế suất để gian lận số tiền thuế phải nộp, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Sự triển khai đồng bộ các giải pháp đã mang lại kết quả tích cực trong công tác của ngành Hải quan. Nổi bật, thống kê mới nhất (tính đến ngày 23/10/2022) cho biết, toàn ngành Hải quan đã thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 353.491 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán được giao, bằng 95,54% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.