Chủ đầu tư cao tốc chỉ được quyền ngăn chặn, chế tài với xe quá tải. Còn với xe khách, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước như công an, Bộ Giao thông. "Tổng Cục đường Bộ đã yêu cầu VEC báo cáo sự việc, nếu đơn vị này ra quyết định từ chối phục vụ sẽ yêu cầu rút lại văn bản trái luật", ông Huyện nói.
Nói về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai ô tô biển số TP HCM do tài xế "gây rối" tại trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây, ông Nguyễn Văn Nhi (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam, VEC) cho biết, đây mới là đề xuất từ đơn vị quản lý tuyến cao tốc. VEC chưa ra quyết định cấm hai phương tiện này.
Tuy nhiên, theo ông Nhi, trong nhiều năm qua đơn vị từng ra quyết định từ chối phục vụ hàng nghìn xe trên cao tốc do: không tuân thủ quy định của chủ đầu tư, vi phạm giao thông, tài xế bắt khách dọc đường, những trường hợp gây rối... Trong đó, nhiều phương tiện bị từ chỗi vĩnh viễn.
Phân tích ở góc độ pháp lý các chuyên gia Luật cho rằng, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam - VEC E (quản lý tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Công ty con của VEC) từ chối phục vụ hai phương tiện trên chỉ dựa vào quy định nội bộ, không phải quy định pháp luật nên không có giá trị áp dụng thực tiễn với chủ xe, hay phương tiện trên cao tốc.
Hơn nữa, đường cao tốc là đường công cộng không phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư mà chủ đầu tư chỉ có quyền khai thác trên đó. Với vai trò là đơn vị vận hành cao tốc, khi phát hiện các vi phạm của phương tiện, chủ đầu tư phải báo CSGT xử lý.
Trường hợp có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định. Trước thông tin dư luận đặt vấn đề về doanh thu thu phí và tính minh bạch trong thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, sẽ có kế hoạch kiểm tra công tác thu phí của VEC.