Chiều 18/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là Đề án nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, Bộ đã 3 lần lấy ý kiến của các bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân.
Sau khi các bộ, ngành dự họp nêu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dày công nghiên cứu, đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong Đề án, đồng thời đề nghị Bộ cần tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp.
Cần đảm bảo quyền tài sản, quyền kinh doanh
Để phù hợp hơn với nội dung, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tên đề án theo hướng đổi mới toàn diện quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Về nội dung, Thủ tướng đề nghị Đề án nên tập trung vào vấn đề trọng tâm, gắn kinh tế tư nhân với định hướng phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, phải nêu lên những đột phá của kinh tế tư nhân, chưa bao giờ kinh tế kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian vừa qua, trong đó có vai trò quan trọng của việc hoàn thiện thể chế theo chủ trương của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Đề án cũng cần nêu các rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân; tập trung hoàn thiện 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ cụ thể cả về vấn đề quy hoạch, thể chế pháp lý, cách thức quản lý nhà nước, phân bổ nguồn lực, công tác kiểm tra giám sát nâng cao hiệu lực, hiệu quả… phát triển kinh tế tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tóm tắt về đề án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng lưu ý hai điểm quan trọng tác động đến yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ nhất là tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế, đó là biến động nhanh, phức tạp, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, đại dịch, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai là cần nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới với nhiều quan điểm, định hướng mới để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Đề án này cần quán triệt các quan điểm lớn, các đột phá lớn về kinh tế tư nhân.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, Đề án cần đưa ra mục tiêu phù hợp với tình hình quốc tế, trong nước trong trạng thái bình thường mới, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đặc biệt là thể hiện rõ quan điểm, định hướng đổi mới trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, qua đó tạo niềm tin mạnh mẽ trong thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Đề án cần thể hiện Nhà nước, quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu quy luật khách quan của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Yêu cầu nữa là đảm bảo quyền tài sản, quyền kinh doanh, đảm bảo tính liên tục, kế thừa, tính đổi mới sáng tạo.
Tập trung 3 đột phá trong phát triển
Thủ tướng yêu cầu tập trung 3 đột phá trong phát triển ở Việt Nam, trong đó, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân là đi đầu trong đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Cụ thể là về các vấn đề như kinh tế số, xã hội số, chiến lược số, tiết kiệm trong đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, phát triển xanh… gắn với phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi và phát huy sự năng động của kinh tế tư nhân; đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh ở Việt Nam.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để đưa Đề án này vào chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.