Tội đồ của môi trường toàn cầu (Kỳ cuối): Giành lại thế giới từ tay Monsanto

Monsanto bị kết tội hủy hoại môi trường trong phiên tòa tượng trưng ở La Hague, Hà Lan
Monsanto bị kết tội hủy hoại môi trường trong phiên tòa tượng trưng ở La Hague, Hà Lan
(PLO) - Sau khi tung ra hàng loạt những sản phẩm bị dư luận gắn mác “chất độc” trong gần một thế kỷ, những tham vọng của Monsanto khi tấn công sang lĩnh vực giống cây trồng biến đổi gien càng khiến cho hình ảnh công ty trở nên xấu xí hơn.

Kết quả nhiều cuộc thăm dò cho thấy, Monsanto hiện là “doanh nghiệp bị căm ghét nhất thế giới”. Bởi vậy, việc Monsanto bị kết tội phá hoại môi trường trong một phiên tòa tượng trưng gần đây ở La Hague, Hà Lan khiến nhiều người rất hài lòng. 

"Monsanto là một công ty nông nghiệp. Chúng tôi áp dụng chiến lược đổi mới công nghệ để giúp nông dân trên thế giới sản xuất hiệu quả hơn, từ đó cải thiện cuộc sống”. Những lời rao giảng này của Monsanto không khiến nhiều người tin tưởng, bởi họ quá rõ tham vọng bá chủ ngành công nghiệp giống cây trồng của Monsanto. 

Những giống cây trồng biến đổi gien (GMO) của Monsanto ngày càng khiến người nông dân phải phụ thuộc vào họ, và sự phụ thuộc này càng trầm trọng hơn sau khi công ty giống cây trồng Monsanto bị Bayer thâu tóm trong một thương vụ khủng. 

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”

Cuối năm 2016, Monsanto và Bayer AG phát đi thông báo chính thức xác nhận hai bên hoàn tất thương vụ sáp nhập lịch sử với giá trị của thương vụ lên đến 66 tỷ USD. Vụ sáp nhập được cho là báo hiệu nền nông nghiệp theo mô hình công nghiệp của Mỹ dựa trên “cuộc cách mạng GMO” sẽ sớm chi phối toàn thế giới. Việc Monsanto kết hợp với Bayer chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”, bởi “tiếng tăm” của Bayer AG cũng không kém Monsanto là bao. 

Thành lập năm 1983 ở Đức bởi hai nhà sáng lập Friedrich Bayer và Johann Wescott, Bayer AG cũng có những trang lịch sử đầy đen tối. Ban đầu, Bayer tập trung sản xuất aspirin và nhiều loại thuốc thông dụng khác. Nhưng trong chiến tranh thế giới II, Bayer đã sản xuất ra khí Zyklon B, được sử dụng trong các phòng ngạt khí của Đức Quốc xã để “xử lý” 11 triệu người mắc tội “sinh ra là một người Do Thái”.

Bayer còn bị cáo buộc đã mua lại 150 nữ tù nhân khỏe mạnh trong một trại giam giữ người Do thái của Đức Quốc xã ở Auschwitz để làm đối tượng thử nghiệm một loại thuốc ngủ. Toàn bộ số nữ tù nhân này thiệt mạng, và một đề nghị cung cấp tù nhân khác ngay lập tức được tiến hành. Năm 2003, Bayer còn bán các loại máu đông nhiễm virus HIV sang châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Âu.

Loại thuốc Factor VIII mà Bayer sản xuất cũng bị cho là nhiễm độc mà vẫn được bán ra thị trường. Riêng tại Hong Kong và Đài Loan, hơn 100 bệnh nhân đã tử vong sau khi sử dụng loại thuốc này. 

Bởi vậy, khi Monsanto và Bayer tuyên bố vụ sáp nhập của họ là “nhằm hiện thực hóa tầm nhìn chung về các giải pháp nông nghiệp tổng hợp, cung cấp các giải pháp tốt hơn cho nông dân và đặt nền tảng để dẫn đầu trong các thay đổi nhằm tạo ra một ngành nông nghiệp thế hệ mới”,

ai cũng hiểu rằng đó là những lời nói hoa mỹ nhằm che mắt công chúng, còn đằng sau đó là sự chia sẻ tham vọng bá chủ ngành nông nghiệp, cho dù phải đưa ra thị trường những sản phẩm có thể gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khỏe con người. 

Những con số “biết nói”

Lĩnh vực nông nghiệp đã chứng kiến hàng loạt vụ sáp nhập khủng vào năm 2016, chuyển từ mô hình “6 ông lớn” sang “3 ông lớn” là Bayer-Monsanto, Dow-DuPont, BASF và ChinaChem-Syngenta. Với các vụ sáp nhập này, ba công ty nông nghiệp hàng đầu sẽ bán gần 2/3 hạt giống và thuốc trừ sâu được cấp bằng sáng chế của thế giới. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất hạt giống độc lập sẽ bị bật khỏi guồng quay. 

Liên minh ma quỷ “Bayer – Monsanto”

Liên minh ma quỷ “Bayer – Monsanto”

Theo thông báo của 2 tập đoàn này, việc mua bán sáp nhập, cả Bayer và Monsanto đều cam kết sẽ có nhiều giải pháp cải thiện cho nông dân. Tổ chức sau hợp nhất này sẽ vừa được hưởng lợi từ vị trí hàng đầu của Monsanto trong lĩnh vực hạt giống, chuyển gen và các giải pháp về khí hậu cùng với danh mục các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đa dạng của Bayer trong nhiều loại cây trồng và vùng địa lý quan trọng.

Thế nhưng, trong khi chưa biết các sản phẩm mới mà họ đưa ra ưu việt đến đâu, một điều rõ ràng là “gã khổng lồ”  Bayer-Monsanto sẽ kiểm soát 1/3 thị trường hạt giống toàn cầu. Ông Kansas Tom Giessel, cựu phó chủ tịch Hiệp hội Nông dân Mỹ cho biết; “Vụ sáp nhập này nó sẽ có tác động lớn. Tôi không có sự lựa chọn khi mua đầu vào, dù đó là hạt giống, hóa chất hay bất cứ thứ gì. Họ sở hữu tôi.”

Thực tế đã cho thấy, một khi Monsanto kiểm soát nguồn cung cấp hạt giống thì điều gì xảy ra. Kể từ khi Monsanto bắt đầu thương mại hóa các hạt giống biển đổi gien vào năm 1996, giá hạt giống đã tăng vù vù một cách chóng mặt. Nông dân giờ đây phải trả tiền mua hạt giống đậu nành cao bằng 325% so với năm 1996, và 259% đối với ngô, giá hạt giống bông thì tăng 516%.

Bởi vậy, mối quan tâm toàn cầu sau vụ sáp nhập này là sự thống trị của Monsanto ở châu Mỹ (80% hạt giống ngô và 93% đậu nành ở Mỹ) với sức mạnh thị trường của Bayer ở châu Âu và châu Á. “Những giải pháp cải thiện cho nông dân” mà Bayer-Monsanto nhắc tới cũng chính là đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc trừ sâu và các loại giống cây trồng biến đổi gien GMO và phát triển nền nông nghiệp theo chiều hướng độc canh.

Theo một nghiên cứu mới đây, sự đa dạng hóa mùa màng ở Mỹ thực sự đã biến đổi một cách sửng sốt: khoảng 93% các loại hạt giống rau tự nhiên đã bị tuyệt chủng trong khoảng 1 thế kỷ qua, và Monsanto vẫn đang rất hào hứng tham gia vào quá trình này. 

Đòi lại công lý

Trước viễn cảnh về một nền nông nghiệp nghèo nàn hạt giống, nhiều tổ chức khoa học cũng như các tổ chức dân sự đang tìm cách ngăn chặn guồng quay của Monsanto, không để cỗ máy này “nghiền nát” ngành nông nghiệp truyền thống.

Tiến sĩ Hans Herren người Thụy Sĩ - một trong những người chỉ trích Monsanto gay gắt nhất cho rằng cần phải khôi phục nền nông nghiệp đa hạt giống, và những hạt giống đó phải là những hạt giống của chính người nông dân vì chúng thích nghi với điều kiện của từng địa phương. Ông lập luận rằng: “Không thể có một hạt giống tôt cho mọi nơi, dù đó là giấc mơ của Monsanto”. 

Bayer – Monsanto sẽ kiểm soát thị phần giống nông nghiệp toàn cầu lớn hơn
Bayer – Monsanto sẽ kiểm soát thị phần giống nông nghiệp toàn cầu lớn hơn

Hans Herren cũng là một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất tại phiên tòa tượng trưng mới đây ở La Hague, Hà Lan với thông điệp “Giành lại thế giới từ tay Monsanto”. Tại phiên tòa này, Monsanto đã bị buộc tội gây ra “sự cạn kiệt tài nguyên đất và nước, tuyệt chủng một số loài, giảm đa dạng sinh học”.

Các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm thêm bằng chứng để chứng minh sự liên quan của Monsanto đối sự suy giảm đàn ong trên thê giới trong những năm qua, gọi đó là “sự tàn phá quần thể ở quy mô lớn”. 

Theo bản kiến nghị tham vấn công bố ngày 18/4 tại La Hague, Monsanto bị kết tội xâm phạm 4 quyền cơ bản là môi trường lành mạnh, lương thực, y tế và tự do nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Công ty bị buộc tội chống lại nhân loại và tội ác phá huỷ môi trường thiên nhiên khi thương mại hóa các sản phẩm độc hại từng gây ra cái chết của hàng ngàn người,

chẳng hạn như chất polychlorinated biphenyls (PCB), glyphosate – được sử dụng trong các loại thuốc diệt cỏ như thuốc diệt cỏ Roundup, hoặc axit 2,4,5-trichlorophenoxyacetic, tạo ra chất độc da cam - loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ phun bằng máy bay trong chiến tranh Việt Nam.

Về vấn đề tội ác chiến tranh thông qua việc cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong thời gian từ năm 1962 - 1973, tòa cho rằng vì tình trạng luật quốc tế hiện tại và do không có bằng chứng cụ thể nên không thể đưa ra kết luận. Tuy nhiên, các thẩm phán nhấn mạnh việc quân đội Mỹ rải hơn 70 triệu lít chất độc da cam (có chất dioxin) tại Việt Nam đã gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân.

Tòa án ở La Hague là một phiên tòa của công dân với kết quả không được công nhận chính thức, nhưng có tác động cảnh báo dư luận rất lớn. Một lần nữa, bộ mặt của “ác quỷ” Monsanto đã bị phơi bày, và quan trọng hơn việc tác động tới những cơ quan hoạch định chính sách và luật pháp, rằng “đã đến lúc phải xác định thứ bậc các chuẩn mực, luật pháp về doanh nghiệp, về các quy tắc thương mại thế giới không thể được ưu tiên hơn các quyền của con người và các quyền của thiên nhiên".

Đọc thêm

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.