Tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn, bền vững”: “Chủ trương không khuyến khích tích trữ vàng miếng là đúng đắn”

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. (Ảnh: VGP)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng là đúng đắn và chúng ta cần phải bám sát theo chủ trương này để có biện pháp”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nêu quan điểm tại Tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn, bền vững”, tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua (25/10).

“Cung không có, mà cầu có thực”

Do chủ trương chống vàng hóa nên từ năm 2014, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. NHNN lấy SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, với tâm lý tích trữ của người dân, cung vàng không có, trong khi cầu có thực, nên dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu, đẩy giá kim loại quý tăng cao.

“Tâm lý của người dân Việt Nam từ xưa đến nay liên quan đến chuyện tích trữ để bảo đảm an toàn, phòng tránh rủi ro. Và trong các phương tiện tích trữ thì đương nhiên vàng là một phương tiện tích trữ bảo đảm nhất. Đấy là cả thế giới chứ không riêng Việt Nam nhưng Việt Nam thì tâm lý truyền thống đó cao hơn. Trong bối cảnh người ta cần có tích lũy như thế mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên đấy là vàng được tin cậy. Tích lũy bao giờ cũng bảo đảm an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu và giá vàng sẽ tăng”, ông Cường nói.

Điều này cũng dẫn tới bất cập khác của thị trường là liên thông giữa trong nước và thế giới. Do không có quan hệ xuất nhập khẩu vàng, thị trường kim loại quý trong nước và thế giới không cân bằng, dẫn tới tình trạng giá thế giới tăng ít, trong nước đã lên rất cao.

Bên cạnh đó, quy định thương hiệu vàng miếng quốc gia cũng dẫn tới bất bình đẳng giữa các thương hiệu vàng khác trong nước. “Giá chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới dẫn tới thiệt hại về mặt xã hội”, ông Cường nói và cho rằng đã tới lúc cần xem lại các quy định về việc độc quyền vàng nữa hay không.

“Nên xem xét cho phép nhiều DN tham gia vào sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi cung được tự do, cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy dễ hơn và không còn tình trạng khan hiếm nữa”, ông Cường nêu quan điểm.

Giá vàng chênh lệch gây hậu quả không tốt cho thị trường

Quan điểm không nên duy trì độc quyền một thương hiệu vàng miếng quốc gia cũng nhận được đồng tình của các chuyên gia. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá việc chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. “Thực tế người dân không được hưởng lợi khi phải mua với giá vàng trong nước rất cao và việc để chênh lệch như thế, trong khi không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống thì rõ ràng tạo điều kiện cho việc buôn lậu, không kiểm soát được”, ông Hùng nói.

Ông Hùng phân tích, thứ nhất, ngoại tệ để nhập lậu vàng chúng ta không kiểm soát được, thứ hai là bản thân các DN khi đang thực hiện việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu thì cũng không biết mua ở đâu cả và mua trôi nổi trên thị trường sẽ rất là rủi ro về mặt pháp luật.

Một thực tế khác là khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì chúng ta xuất khẩu cũng không được. Mức thuế 1% giá xuất khẩu vàng trang sức là chi phí rất lớn với các DN và cũng không thể xuất được, chưa nói tới việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì càng không thể xuất được.

“Theo tổng kết của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu thực tế có những thời gian Việt Nam nhập cao nhất 60 tấn vàng, còn nhu cầu hiện nay (không tính để sản xuất vàng miếng) ít nhất cũng cần 20 tấn vàng nhập khẩu/năm. Từ năm 2012 đến nay, chúng ta không nhập khẩu một lượng vàng nào theo con đường chính thống. Chính vì thế nên không thể cản được việc buôn lậu và hậu quả của nó là “chảy máu” ngoại tệ. Hiện Việt Nam không khai thác được vàng nên câu hỏi đặt ra là số vàng lưu thông trên thị trường hiện nay và số nguyên liệu đó nguồn từ đâu?”, ông Hùng nói.

“Chính vì thế, tôi thấy chủ trương của NHNN không khuyến khích người dân mua bán vàng miếng, tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn và chúng ta cần phải bám sát theo chủ trương này để có biện pháp. Tức là khi nhập khẩu vàng không phải để phục vụ sản xuất vàng miếng và khi người dân không quan trọng việc mua vàng 9999 hay vàng miếng, vàng trang sức nữa thì rõ ràng sẽ không có chênh lệch”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, hiện nay giá vàng trang sức 9999 trên thị trường vẫn chênh lệch so với giá thế giới bởi vì không có nguồn cung. Ông Hùng cho rằng: “Nhà nước cần xem xét để giúp các DN có kế hoạch sản xuất, có đầu ra. Những DN có năng lực sản xuất tốt về vàng trang sức thì nên khuyến khích tạo điều kiện để họ có nguồn nguyên liệu chính thống phục vụ cho sản xuất cung ứng cho thị trường. Như vậy sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa giá vàng nguyên liệu, giá vàng 9999 với giá quốc tế. Và khi cho nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức thì Nhà nước quản lý rất dễ bởi có đầu ra rất rõ ràng. Không cho sản xuất vàng miếng mà chỉ sản xuất vàng trang sức thì sẽ thu hẹp được khoảng cách giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng trang sức hiện nay với giá vàng quốc tế”.

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng liên tục “nhảy múa”. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang trong khoảng 63 - 64 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng/lượng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm, thậm chí trong vài tiếng đồng hồ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Biên độ mua - bán cũng bị đẩy lên 4 - 6 triệu đồng, thể hiện mức độ biến động cao của thị trường.

Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN điều hành, không để giá vàng nước chênh cao với thế giới. Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Tài chính được NHNN đề nghị phối hợp thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Đọc thêm

Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế

 Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế
(PLVN) - Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên sàn của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.