Mốc son ở nhiệm kỳ 4 của Ủy ban Olympic Việt Nam là tấm Huy chương Vàng (HCV) Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và HCV Paralympic của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công tại Rio 2016. Bên cạnh đó, Ủy ban Olympic Việt Nam cũng đã làm nòng cốt tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Điển hình như phong trào "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”, Olympic trẻ em, chương trình phổ cập bơi phòng chống đuối nước trẻ em.v.v... đã tạo thành phong trào sâu rộng và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng.
Với kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như trong cả quá trình phát triển, Ủy ban Olympic Việt Nam đã vinh dự được Ủy ban Olympic Quốc tế đánh giá là 1 trong 3 Ủy ban Olympic quốc gia hoạt động năng động nhất của phong trào Olympic ở các nước đang phát triển năm 2016. Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia đã chọn Việt Nam là 1 trong 9 Ủy ban Olympic quốc gia trên thế giới để trao tặng Giải thưởng “Ủy ban Olympic quốc gia có thành tích đột phá”.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với những phương hướng, nhiệm vụ mà Ủy ban Olympic Việt Nam đã đề ra trong nhiệm kỳ mới và nhấn mạnh, những hình ảnh đẹp, tinh thần thượng võ trong thi đấu thể thao có sức lan tỏa mạnh mẽ, bồi đắp và truyền tải những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Những niềm vui chiến thắng trong các cuộc thi đấu thể thao có sức mạnh tập hợp, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành khóa 5 (2016-2020) Ủy ban Olympic Việt Nam, trong đó Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện được bầu làm Chủ tịch Ủy ban.
*Trước đó, ngày 15/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ trao giải thưởng công nghệ thông tin (CNTT) Sao Khuê và kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian tới, các DN, cộng đồng CNTT đang đứng trước một sứ mệnh vẻ vang nhưng đầy thách thức là làm sao góp phần phát huy, khai thác bằng được những lợi thế, tiềm năng để có thể đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Để làm được việc này chúng ta phải khai thác, hoặc tận dụng được những gì mà chúng ta có lợi thế. Một trong những lợi thế đó chính là trí lực của người Việt Nam liên quan trực tiếp đến lĩnh vực CNTT”, Phó Thủ tướng nêu rõ và cho biết Chính phủ đã bàn rất nhiều về những việc cần phải làm để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với việc tuyên truyền tới toàn xã hội về những thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng này thì quan trọng hơn là phải bằng hành động rất thiết thực, cụ thể để tận dụng thời cơ, chứ không nên chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay là có tính thời sự quốc tế.
Phó Thủ tướng mong muốn, trong thời gian ngắn nhất, mọi người dân Việt Nam phải được trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết, góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh hơn. Tất cả những điều ấy đặt ra cho những người làm CNTT, một thách thức rất lớn nhưng cũng là một sứ mệnh. Theo đó, VINASA cùng cộng đồng CNTT Việt Nam cần mạnh dạn, trí tuệ, tâm huyết trên tinh thần vượt mọi khó khăn, không chỉ bằng những gì sẵn có, phát huy thế mạnh của con người Việt Nam để vươn ra thế giới.