Ngược dòng lịch sử, ngày 8/9/1891, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã thành lập đơn vị hành chính tỉnh Hưng Hóa (tiền thân của tỉnh Phú Thọ) gồm 5 huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh. Đến ngày 5/5/1903, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú, huyện Sơn Vi và từ đây tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có một số lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Phú Thọ. Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504 về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau 29 năm hợp nhất, ngày 1/1/1997, tỉnh Phú Thọ chính thức được tái lập và đi vào hoạt động theo nội dung Nghị quyết Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa IX.
Có vị trí đặc biệt khi nằm ở trung tâm nền văn minh Sông Hồng – vùng đất của thế dựng nước và giữ nước, hơn một thế kỷ qua, đặc biệt là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng đề ra. Đồng thời, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, các ngày công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỉ trọng nhỏ và còn phát triển chậm, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có sự phát triển vượt bậc. Trong đó, từ những năm 60 của thế kỷ XX, Phú Thọ đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với các khu công nghiệp Việt Trì, Lâm Thao, Bãi Bằng, Đồng Xuân...; lực lượng lao động công nghiệp lên tới hàng chục vạn người.
Tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh cũng đạt nhiều thành tựu, phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả, là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển, đời sống của các thành viên được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đưa Phú Thọ thoát khỏi tỉnh nghèo.
Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có nhiều bước phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được chú trọng. Tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hóa phi vật thể “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo cũng được tỉnh triển khai có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm.
Với hướng đi đúng đắn, đến nay kinh tế của tỉnh Phú Thọ ngày càng cho thấy sự phát triển vững chắc với sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 7,86%.
Sự phát triển vững chắc của Phú Thọ càng được thể hiện rõ nét hơn trong 2 năm gần đây, khi đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, sâu rộng đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước. Tuy đối mặt với những khó khăn chung, nhưng Phú Thọ đã triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, được xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp”; vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế.
Vượt qua mọi khó khăn, Phú Thọ đã đạt được những thành tựu rõ nét trên mọi lĩnh vực. Tiếp bước chặng đường đầy tự hào này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vẫn luôn vững tin, không ngừng phấn đấu để đưa vùng đất Tổ anh hùng trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.