Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 7 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của vùng đất văn hóa cố đô Huế.
Du khách tham quan các gian hàng tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu |
Festival có 13 nhóm nghề, hơn 300 nghệ nhân và 58 đơn vị, cơ sở làng nghề truyền thống trong cả nước đăng ký tham gia trưng bày, biểu diễn và giới thiệu các sản phầm nghề - làng nghề truyền thống.
Đèn lồng Huế cũng góp mặt |
Không gian trưng bày, trình diễn chính của Festival Nghề năm nay được tổ chức trong khung cảnh đặc trưng tại khoảng 30 ngôi nhà rường ở công viên Tứ Tượng và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nằm cạnh dòng sông Hương thơ mộng.
Làng gốm nổi tiếng Bát Tràng - Hà Nội |
Tại đây, nhiều làng nghề trứ danh như gốm Bát Tràng, lụa Hội An, dệt Zèng A Lưới, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Hà Giang...đã mang đến trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của làng nghề khiến nhiều người dân và du khách thích thú.
Đặc biệt, tại Festival Nghề lần này nhiều doanh nhân trẻ của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đem đến giới thiệu với du khách những mặt hàng mới được ưa chuộng như Trà Vả Lộc Mai, Dầu Tràm Lộc Thủy…
Gian hàng Trà Vả Lộc Mai |
Anh Mai Quốc Bảo, Giám đốc sản phẩm Trà Vả Lộc Mai Huế chia sẻ: Ở Đà Lạt có Astiso, nên tôi khát khao ở Huế có Trà Vả. Mục đích là cho ra đời một sản phẩm mang đậm chất Huế, an toàn vệ sinh, 100% thiên nhiên. Đến với Festival nghề truyền thống Huế lần này, tôi muốn giới thiệu với du khách một loại thức uống hoàn toàn mới bởi trái Vả đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe nhờ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể.
Nhiều du khách thích thú chụp ảnh kỷ niệm |
Ngoài ra, các nghệ nhân còn giới thiệu kỹ thuật và từng công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo để tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống. Nhiều du khách đã rất hào hứng, thử thao tác để tự tạo ra những sản phẩm từ chính mình dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, qua đó có thể lựa chọn một ít để về làm quà cho người thân, bạn bè. Tất cả đã tạo nên một không gian trữ tình, sống động bên dòng sông Hương.
“Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề” không chỉ nhằm khẳng định và tôn vinh các giá trị tinh hoa của ngành nghề thủ công truyền thống, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy ngày càng hiệu quả các nghề và làng nghề.