Xác định lại nhiệm vụ
Theo Đề án, đến năm 2015 cả nước có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã (8.978 xã, 1.581 phường, 603 thị trấn); 136.824 thôn, tổ dân phố. Ngoài ra, cán bộ, công chức cấp xã có 256.608 người (cán bộ cấp xã: 145.112 người, công chức cấp xã: 111.496 người); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có 922.533 người. Theo đánh giá, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, thời gian qua tăng lên nhiều, làm tăng gánh nặng ngân sách, chất lượng đội ngũ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện hiện nay.
Dự thảo Đề án đã đưa ra các giải pháp như: chính quyền cấp xã chỉ giải quyết nhu cầu và phục vụ người dân theo đúng các nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; không chuyển việc hoặc đẩy việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cấp huyện xuống cấp xã thực hiện hoặc chuyển việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cấp xã cho thôn, tổ dân phố thực hiện; xác định lại nhiệm vụ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo hướng chỉ tổ chức thực hiện và quản lý các vấn đề mang tính tự quản của cộng đồng thôn, tổ dân phố.
Đối với việc quản lý đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố: từ nay đến năm 2025 không thực hiện việc chia, tách các đơn vị hành chính cấp xã; chỉ thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã khi thực sự rất cần thiết do liên quan đến an ninh, quốc phòng và theo nhu cầu phát triển đô thị. Từ nay đến năm 2020 thực hiện việc hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 60% của một trong hai tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 giảm từ 5-7% số đơn vị hành chính cấp xã.
Theo ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương- Bộ Nội vụ: “Đề án sẽ đưa ra các giải pháp đề hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời tiếp tục đổi mới cơ chế, chế độ, chính sách…”.
Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND
Đề án yêu cầu nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; Phó Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã kiêm nhiệm một trong các chức danh: Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng ban của HĐND cấp xã; phấn đấu từ nay đến năm 2021 tiến hành tinh giản 10% số lượng cán bộ, công chức cấp xã, tinh giản 50% số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố...
Cơ chế tuyển dụng sẽ được đổi mới theo hướng UBND cấp tỉnh tổ chức thi tuyển công chức cấp xã tập trung; xây dựng khung chương trình và bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để thực hiện thống nhất. Ngoài ra, còn có những giải pháp khác như xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cấp xã.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, cán bộ xã phải hiểu dân, hiểu việc: “Mục tiêu của Đề án nhằm quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của HĐND và UBND cấp xã. Giảm số đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố, giảm số người hưởng lương từ ngân sách, thực hiện việc kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tinh gọn, hiệu quả, có số lượng hợp lý, có phẩm chất, trình độ, năng lực. Đổi mới cơ chế sử dụng, quản lý và giảm đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở cấp xã”.