Nhờ thay đổi tư duy trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng của người nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vùng núi A Lưới. Mô hình trồng chuối già lùn và chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học (ATSH) là một ví dụ điển hình. Từ những mô hình đầu tiên, huyện A Lưới tiếp tục liên kết với các đơn vị phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, ATSH tạo chuỗi liên kết cho sản phẩm đảm bảo đầu ra cho người nông dân.
Anh Nguyễn Hải Teo (thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm) cho biết, sau khi nắm bắt thị trường có nhu cầu tiêu thụ chuối già lùn, với điều kiện kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng chuối già lùn tại xã Quảng Nhâm. Gia đình tôi được thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Hội phụ nữ xã tín nhiệm bình xét cho vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ NHCSXH huyện để trồng chuối già lùn, trồng rừng và nuôi bò sinh sản.
“Đến nay, gia đình tôi trồng hơn 300 gốc chuối gia lùn, kết hợp nuôi lợn theo hướng sinh học và nuôi bò sinh sản, mang lại nguồn thu nhập hàng năm ổn định từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng số lượng lợn, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân mà còn cung cấp cho một số cơ sở giết mổ gia súc”- anh Teo cho biết thêm.
Mô hình nuôi lợn hữu cơ mang lại hiểu quả kinh tế cao cho người dân |
Cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn, gia đình anh Hồ Viết Áí Duy (thôn Âr Kêu, xã Quảng Nhâm) được NHCSXH huyện A Lưới cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với số tiền đó cùng vốn tự có của gia đình, anh Duy đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn. Đến nay mô hình của anh đã phát triển rất tốt, dự kiến thu nhập trên 140 triệu đồng/năm.
Theo bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc phát triển diện tích chuối cũng như xây dựng thương hiệu chuối già lùn A Lưới và lợn hữu cơ. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng hơn 387 ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn chiếm116 ha, được trồng tập trung tại các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Vân... và đang nhân rộng mô hình ở một số xã khác trên địa bàn. Với năng suất chuối già lùn đạt khoảng 280 tạ/ha, cho thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/1ha. Mô hình nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, đặc biệt có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình này.
Nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương như gạo Ra Zư, Zèng, bò A Lưới. |
Phấn khởi trước hiệu quả mang lại của chuối già lùn và lợn hữu cơ, ông Hồ Trọng Chăn, chủ tịch xã Quảng Nhâm cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực rất quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, dư nợ trên địa bàn xã đạt hơn 39 tỷ đồng với 894 hộ, không có nợ quá hạn. Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn để định canh định cư, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển sản xuất nâng cao đời sống; góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua hàng năm.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển diện tích chuối, nâng cao kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ, thực hiện tốt khâu bảo quản sản phẩm, sản phẩm chuối già lùn A Lưới được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Chuối già lùn cũng đã góp mặt tại nhiều hội chợ thương mại, thị trường một số tỉnh phía Nam và được đưa lên bàn ăn của học sinh học bán trú trong tỉnh hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP Thừa Thiên Huế.
Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới, hiện nay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực rất quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn đặc biệt tập trung cho việc định hình và phát triển các sản phẩm chủ lực theo nghị quyết của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện như nuôi lợn hữu cơ, chuối Già lùn, phát triển đàn bò, trồng rừng kinh tế, làng nghề truyền thống như dệt zèng...
Cùng với hỗ trợ phát triển mô hình nuôi lợn và trồng chuối già lùn, NHCSXH huyện A Lưới còn góp phần không nhỏ trong hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên, phụ nữ… Hỗ trợ vốn phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương như gạo Ra Zư, Zèng, bò A Lưới…. nhờ đó đã góp phần không nhỏ trong định hình và tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.